Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal kêu gọi các đại sứ của mình tích cực hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của thế giới và không làm giảm mức độ quan tâm đến tình hình Ukraine.
Tình hình Ukraine: Kiev ‘tính sổ’ thiệt hại, hối phương Tây gửi 60 tỷ USD tái thiết. (Nguồn: AP) |
Ukraine dự kiến thu hút 45,8 tỷ USD từ các đối tác quốc tế để tài trợ ngân sách năm 2023 và 14 tỷ USD để hỗ trợ phục hồi nhanh chóng. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã công bố những số liệu này tại Hội nghị các nhà ngoại giao Ukraine năm 2023.
Theo truyền thống, Hội nghị này được tổ chức vào cuối tháng 12 hằng năm, nhưng năm nay, theo chỉ thị của Tổng thống Zelensky, Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba đã triệu tập Hội nghị sớm hơn.
Hội nghị Đại sứ Ukraine năm nay được tổ chức với khẩu hiệu “Vượt lên trên tất cả!”. Các đại sứ Ukraine tụ họp với lãnh đạo đất nước để thảo luận về các nhiệm vụ chính trong chính sách đối ngoại, các bước thực hiện, nhiệm vụ ưu tiên, nhằm thúc đẩy lợi ích và triển khai nhiệm vụ hiệu quả nhất có thể.
“Năm nay, nhiệm vụ của chúng ta là thu hút 45,8 tỷ USD cho tài trợ ngân sách và 14 tỷ USD nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi nhanh chóng”. Theo Thủ tướng Shmyhal, “đây là những gì chúng ta vô cùng cần để tạo tâm lý cho mọi người, mang lại hy vọng cho xã hội và tạo tinh thần đối với những vấn đề Ukraine đang phải trải qua”.
Thủ tướng Ukraine cho biết, Kiev hiện đã thu hút được 28 tỷ USD. Ông cũng cho biết, các đối tác của họ sẽ tiếp tục tài trợ và gửi tiếp viện khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn, nhưng khi nó kết thúc, mức độ hỗ trợ sẽ giảm đi đáng kể.
“Chúng ta hầu như sẽ bị bỏ lại một mình với các vấn đề của mình. Hỗ trợ sẽ thấp hơn nhiều. Điều này cần được tính đến và nỗ lực tối đa ngay từ hôm nay”, ông Shmyhal tiết lộ.
Vì vậy, Thủ tướng Shmyhal kêu gọi những người có mặt (các đại sứ) tại hội nghị tích cực làm việc để thu hút sự chú ý của thế giới đến Ukraine, để không làm giảm mức độ quan tâm. Ông nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của các nhà ngoại giao hiện nay rất đa diện và đa chức năng, vì họ phải giải quyết mọi việc, kể cả vũ khí, thuốc men và các vấn đề nhân đạo.
“Đối với tôi, mặt trận ngoại giao không kém phần quan trọng so với các mặt trận khác. Mỗi đại sứ là người “canh gác” trên một mặt trận ngoại giao”, ông Shmyhal nói.
Theo tính toán sơ bộ của Trường Kinh tế Kiev (Viện KSE), tính đến tháng 6/2023, tổng thiệt hại trực tiếp đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine do cuộc xung đột quân sự với Nga ước tính lên tới khoảng 150,5 tỷ USD (tính theo chi phí thay thế).
Tính toán của các nhà nghiên cứu cho thấy, phần lớn nhất trong tổng số thiệt hại là về nhà ở – khoảng 55,9 tỷ USD, trong đó, thiệt hại do lũ lụt do vụ nổ tại đập thủy điện Kakhovka gây ra, khoảng 1 tỷ USD.
Báo cáo sơ bộ của các cơ quan quân sự khu vực cho biết, tính đến tháng 6/2023, tổng số đơn vị nhà ở bị phá hủy hoặc hư hại do xung đột khoảng 167.200.
Lĩnh vực cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, hạ tầng đường sắt, quản lý đường bộ, hàng không và cảng biển) đứng vị trí thứ hai về các thiệt hại phát sinh (khoảng 36,6 tỷ USD).
Tổn thất đối với các loại tài sản kinh doanh ước tính khoảng 11,4 tỷ USD. Ít nhất 426 doanh nghiệp tư nhân lớn và vừa và các công ty nhà nước đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi xung đột quân sứ Nga-Ukraine bắt đầu, nhưng số lượng doanh nghiệp bị thiệt hại có thể cao hơn đáng kể, vì hiện không có thông tin đầy đủ về các cơ sở nằm ở các vùng tạm chiếm.
Những thiệt hại trực tiếp đối với các cơ sở giáo dục, được ghi nhận lên tới 9,7 tỷ USD, với gần 3.400 cơ sở giáo dục đã bị hư hại.
Về những thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng Ukraine, theo ước tính sơ bộ vào khoảng 8,8 tỷ USD, trong đó, 638 triệu USD là thiệt hại trực tiếp do vụ nổ nhà máy thủy điện Kakhovka. Trước đó, Bộ Kinh tế Ukraine từng ước tính thiệt hại trực tiếp gây ra từ vụ nổ nhà máy thủy điện Kakhovka là gần 2 tỷ USD. 8,7 tỷ USD là con số thiệt hại trực tiếp đối với ngành nông nghiệp Ukraine.
Tổng thiệt hại do phá hủy và làm hư hại các cơ sở an sinh xã hội, nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe, cũng như các tòa nhà văn hóa, cơ sở thể thao và tòa nhà hành chính là khoảng 5,9 tỷ USD.
Kết luận trong một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu và Ukraine thực hiện, công bố hồi tháng 3/2023 cho thấy, chi phí cho công cuộc tái thiết nền kinh tế Ukraine sau xung đột với Nga dự kiến có thể lên đến 411 tỷ USD, cao gấp 2,6 lần GDP của Ukraine trong năm 2022.
WB cũng dự báo công cuộc tái thiết Ukraine sẽ mất rất nhiều năm. Số tiền dự tính để tái thiết Ukraine nói trên được tính từ thời điểm xung đột Nga-Ukraine bắt đầu (24/2/2022). Con số này tăng mạnh so với mức ước tính 349 tỷ USD được đưa ra hồi tháng 9/2022.