Thủy Ngân có điểm trung bình 3,91/4, là người Việt đầu tiên đại diện sinh viên quốc tế phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Sư phạm Hoa Đông.
Lê Thị Thủy Ngân – thủ khoa chuyên ngành Tiếng Anh quốc tế, khoa Ngoại ngữ, phát biểu tại lễ tốt nghiệp của trường ở Thượng Hải, hôm 20/6. Trong hơn 10.000 người tham dự có mẹ và 5 người thân của Ngân.
“Em run khi nhìn xuống biển người bên dưới nhưng cũng xúc động và tự hào vì hành trình 4 năm có lúc thăng, trầm cuối cùng cũng được đến đáp xứng đáng”, Ngân nhớ lại, vài tuần sau khi trở về quê ở Thái Nguyên.
Ngân nói chưa từng nghĩ sẽ được chọn phát biểu trước đó nên cảm thấy áp lực. Nữ sinh có chút tự ti vì không có thành tích nghiên cứu hay bài đăng báo quốc tế như nhiều bạn. Khi được thầy cô động viên rằng mỗi người đều có điểm mạnh riêng, Ngân quyết định kể về hành trình du học của mình.
Mở đầu bài phát biểu, Ngân dẫn lại đề Văn trong kỳ thi đại học Trung Quốc năm nay, rằng “Một người dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân có phải chỉ vì vì sự tò mò không?”.
“Bước ra khỏi vùng an toàn không chỉ là sự tò mò mà còn là sự tự tin, dũng cảm với lựa chọn của chính mình”, Ngân tự trả lời.
Với Ngân, tiếng Trung đến với cô như một cơ duyên. Ngân vào lớp chuyên tiếng Trung ở THPT chuyên Thái Nguyên sau khi trượt lớp chuyên Văn. Thi vào bằng tiếng Anh nên thời gian đầu, Ngân chật vật theo học.
Trong khi các bạn làm gần xong bài, Ngân vẫn còn loay hoay tra từ điển các bộ thủ. Nữ sinh từng được khuyên cân nhắc có theo học tiếp không vì đuối hơn bạn bè.
“Tôi khóc như mưa, nghĩ đã mất công thi giờ không lẽ bỏ cuộc? Tôi đóng cửa, quyết tâm cày đề, học từ vựng”, Ngân kể.
Để tập viết, cô tra từ điển, học quy tắc viết từ trái qua phải, từ trên xuống dưới rồi chép 50 lần vào vở, vừa viết vừa đọc đến khi thuộc lòng rồi mới chuyển sang từ khác. Lúc đầu 50 lần, dần dần Ngân giảm số lần chép xuống 40, 20 rồi 5 lần là có thể nhớ. Vì thế, dù số lượng từ vựng ngày một nhiều nhưng Ngân không còn choáng khi đọc đề.
Từ một học sinh chỉ biết bập bẹ, Ngân được vào đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh, giành giải khuyến khích và giải ba. Cô cũng giành huy chương bạc cuộc thi học sinh giỏi Trại hè Hùng Vương. Năm lớp 12, Ngân đạt chứng chỉ HSK cấp 6, cấp cao nhất của kỳ thi năng lực hán ngữ quốc tế.
Khi đó, Ngân cũng ước mơ du học nhưng trượt học bổng. Năm 2019, khi đang là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Ngoại thương, Ngân mới thành công khi giành được học bổng của thành phố Thượng Hải. Nữ sinh quyết định bảo lưu để du học.
Học được một kỳ, Ngân về nước ăn Tết và không thể trở lại suốt hai năm sau vì dịch bệnh. Bạn bè ở các nước đều bảo lưu đợi học trực tiếp, lớp chỉ còn hơn chục người.
“Tôi cũng tính bảo lưu nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi muốn ra trường đúng hạn để không bị lỡ các cơ hội. Tôi quyết tâm học online”, Ngân kể.
Dù vậy, sau thời gian đầu khí thế, chăm chỉ, Ngân dần cảm thấy chán khi hàng ngày ngồi nghe bài giảng qua máy tính, không được tương tác, nhìn thấy bạn bè. Giờ học bên Trung Quốc bắt đầu lúc 13h nhưng lệch múi giờ nên ở Việt Nam mới là 12h. Có hôm học sáng, Ngân phải dậy sớm.
“Nhiều hôm, tôi đánh vật với cơn buồn ngủ”, Ngân chia sẻ.
Kỷ luật học tập lơi lỏng khiến Ngân vất vả ôn lại từ đầu mỗi lần thầy, cô nhắn có bài kiểm tra. Sau đó, để học hiệu quả hơn, cô chia nhỏ công việc, thay đổi không gian học nhằm tạo cảm giác mới mẻ. Ngân thích xem phim và các chương trình truyền hình thực tế để trau dồi tiếng Trung.
Khi ngôn ngữ đã nhuần nhuyễn, cô tìm đến các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa Trung Quốc ở khắp nơi. “Việc tham gia các cuộc thi khiến tôi năng động hơn, trau dồi tiếng Trung và được tiếp xúc với các bạn”, Ngân cho hay.
Cũng trong thời gian này, nữ sinh còn kinh doanh văn phòng phẩm qua mạng, nhận biên, phiên dịch và lập kênh YouTube chia sẻ kinh nghiệm học tập. Khi đang học năm thứ ba, cô trúng tuyển vào làm ở một tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2022, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, Ngân quyết định từ bỏ công việc ổn định, thu nhập tốt để trở lại trường hoàn thành năm cuối. Nữ sinh nói nhờ học chắc chắn, đều đặn nên năm cuối cô vẫn có thời gian làm thêm và chuẩn bị tốt nhất cho khóa luận.
Trong 6 phút trình bày, Ngân không lần nào phải nhìn vào tờ kịch bản. Kết thúc buổi lễ, cô nhận được nhiều lời khen ngợi của thầy cô và bạn bè.
Theo cô Huang Meixu, Giám đốc Trung tâm Giáo dục toàn cầu của Đại học Sư phạm Hoa Đông, Ngân thể hiện sự tò mò muốn khám phá một nền văn hóa mới và quyết tâm du học Trung Quốc. Khi đối mặt với thử thách và khó khăn, nữ sinh đã không từ bỏ. Sau du học, Ngân không chỉ có thêm kiến thức, phát triển những kỹ năng mới mà còn trở thành một vlogger có tiếng.
“Những lời nói đều xuất phát từ trái tim của Ngân, khiến chúng tôi vô cùng cảm động”, cô Huang chia sẻ, thêm rằng nữ sinh được chọn vì có thành tích học tập xuất sắc, tích cực trong các hoạt động của trường và hội sinh viên.
Sau khi bảo vệ, Ngân nhận được lời mời làm việc ở Thượng Hải nhưng quyết định về nước. Hiện cô làm online cho một công ty, đồng thời theo đuổi khóa đào tạo biên, phiên dịch và ấp ủ mục tiêu riêng.
“Cuộc sống mỗi người khác nhau nên mọi người hãy mạnh mẽ, đừng để áp lực đồng trang lứa làm cho nản lòng. Hãy xem đó là động lực để tìm ra hướng đi riêng cho bản thân”, Ngân nói.
Bình Minh