Công ty mẹ của Vinaconex (VCG) định thoái vốn 39 triệu cổ phiếu, thu về gần 1.018 tỷ đồng
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (Mã VCG) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 2 có đôi chút phục hồi sau khi Quý 1 lao dốc lợi nhuận tới 98%. Tuy nhiên, công ty mẹ của Vinaconex, CTCP Đầu tư Pacific Holdings vẫn quyết tâm thoái vốn 39 triệu cổ phiếu VCG.
Cụ thể thì Pacific Holdings đã đăng ký bán 39 triệu cổ phiếu VCG từ ngày 7/8 đến ngày 5/9 tới đây theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Hiện tại, Pacific Holdings đang nắm giữ 280,25 triệu cổ phiếu VCG, tương đương với tỷ lệ 52,44%.
Nếu giao dịch diễn ra thành công, Pacific Holdings sẽ giảm lượng sở hữu xuống chỉ còn 241,25 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ nắm giữ giảm còn 45,14% vốn điều lệ. Với lượng cổ phần này, Pacific Holdings cũng sẽ không còn là cổ đông chi phối của Vinaconex.
Trong phiên giao dịch ngày 3/8/2023, VCG đang được giao dịch với mức giá 26.100 đồng/cổ phiếu. Lượng dư bán áp đảo đã khiến mã này giảm giá gần 4,4% so với đầu phiên giao dịch. Với mức giá này, ước tính Pacific Holdings sẽ thu về gần 1.018 tỷ đồng.
Hồi phục Quý 2, Vinaconex vẫn chậm mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Trước đó, trong Quý 1 năm 2023, do không còn ghi nhận khoản doanh thu tài chính lớn đột biến nên Vinaconex chỉ đạt doanh thu 1.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ. Theo kế hoạch cả năm thì hết Quý 1, Vinaconex mới chỉ hoàn thành được 2% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Bước sang Quý 2, kết quả kinh doanh của VCG đã có sự hồi phục dù chưa được như kỳ vọng. Cụ thể thì doanh thu thuần đạt 4.566,9 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 430 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,3% xuống chỉ còn 9,4%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm từ 164,9 xuống còn 119,3 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng từ 196,9 tỷ lên 245,1 tỷ đồng. Trong đó chi phí lãi vay chiếm 213,3 tỷ đồng, tăng thêm gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Do phải đóng khoản thuế thu nhập lên tới 64,8 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của Vinaconex chỉ còn lại 130,3 tỷ. So với cùng kỳ, lãi sau thuế của VCG sụt giảm 24%.
Luỹ kế doanh thu 6 tháng đầu năm của VCG đạt 6.532 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 139,2 tỷ đồng. So với mục tiêu doanh thu ban đầu đặt ra từ đầu năm, VCG mới chỉ hoàn thành được 40% kế hoạch doanh thu năm cùng 16,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Kế hoạch năm chỉ đạt 16,2% Vinaconex liên tục thoái vốn khỏi các công ty con
Qua nửa năm hoạt động, Vinaconex mới chỉ hoàn thành được 16,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trước tình hình kinh doanh khó khăn này, VCG đã phải đăng ký bán ra 1,326 triệu cổ phiếu của CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (VCM).
Tại thời điểm đăng ký bán, VCG sở hữu 44,2% cổ phần tại VCM và giao dịch được thực hiện từ ngày 21/6 đến ngày 20/7.
Động thái thoái vốn của Vinaconex tại VCM khiến giới đầu tư chú ý do không chỉ Vinaconex mà cả CTCP VIMECO, một đơn vị liên quan tới ông Nguyễn Khắc Hải, chủ tịch Vinaconex cũng đã đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu VCM.
VIMECO sở hữu 130.000 cổ phiếu VCM, tương đương 4,33% vốn điều lệ. Công ty đăng ký bán toàn bộ từ ngày 21/6 đến ngày 19/7 để thoái vốn toàn bộ khỏi VCM.
Giao dịch thoái vốn trên của Vinaconex đã được hoàn tất với ước tính số tiền thu về là khoảng 34,8 tỷ đồng. Trước đó, Vinaconex cũng đã thực hiện nhiều giao dịch thoái vốn khỏi các công ty liên quan, cho thấy đơn vị này đang cần nguồn tiền mặt để cơ cấu lại tình hình tài chính.
Tại ngày 2/6/2023, Vinaconex đã bán 506.000 cổ phiếu VCT, hạ tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống chỉ còn 5%. Trước đó, trong ngày 13/5, VCG cũng hạ tỷ lệ sở hữu tại Vinasinco từ 50% xuống chỉ còn 25%. Tại ngày 3/3/2023, VCG cũng đã thoái vốn 2 triệu cổ phần tại CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD), tỷ lệ sở hữu hạ từ 55% xuống còn 45%.