Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ 17h ngày 22/8 các trường Đại học mới công bố điểm chuẩn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Tuy nhiên, căn cứ vào dữ liệu đăng ký tuyển sinh thì các trường cũng bước đầu dự báo được điểm chuẩn.
Cụ thể, mới đây tiến sĩ Nguyễn Triều Dương, Trưởng phòng Đào tạo đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội, dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào trường bằng phương thức xét kết quả thi THPT năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với năm 2022 ở một số ngành, tổ hợp.
Lý do, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại Luật Hà Nội năm 2023 tăng so với năm 2022 (năm 2023 chỉ tiêu là 2.500, tăng 135 chỉ tiêu; số chỉ tiêu tăng dành cho chỉ tiêu của ngành Luật kinh tế tại trụ sở chính và ngành Luật tại Phân hiệu của Trường tại Đắk Lắk).
Bên cạnh đó, trường thực hiện phương thức xét tuyển sớm và công bố điểm xét tuyển sớm (từ ngày 25/5) với điểm của tất cả các tổ hợp rất cao.
Ngoài ra, khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em có nhiều sự lựa chọn đăng ký xét tuyển khác nhau và chọn vào Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ là một trong nhiều sự lựa chọn. Do đó, thực tế, tỷ lệ thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm có đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học vào trường sẽ không cao.
Theo Đề án tuyển sinh của trường, khi các phương thức xét tuyển sớm không dùng hết chỉ tiêu, sẽ điều chuyển số chỉ tiêu này sang xét tuyển bằng phương thức xét kết quả thi THPT năm 2023, nên điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT mặt bằng chung cũng sẽ giảm”, ông Dương dự đoán.
Đưa ra dự báo về điểm chuẩn các trường khối ngành xã hội, làm thông tin tham khảo cho thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay không có quá nhiều khác biệt so với năm 2021, một số môn có biến động nhẹ như Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục công dân. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để thí sinh cân nhắc khi đặt nguyện vọng.
Riêng với trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, năm 2022, tổng số chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu vào trường không thay đổi, do đó điểm chuẩn cũng sẽ không có nhiều khác biệt so với năm 2021.
Cũng theo thầy Hoàng Anh Tuấn, những năm gần đây một số ngành “hot” có mức điểm chuẩn khá cao như Hàn quốc học, Nhật Bản học, báo chí truyền thông, tâm lý học, Quản trị lưỡng hành.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Đại học Hà Nội, tất cả các ngành đào tạo đại học chính quy tại trường đều có xét khối D1, tức có sử dụng môn Tiếng Anh, do đó dự đoán điểm chuẩn năm nay có thể giảm so với năm ngoái từ 0,5-1 điểm do phổ điểm môn này giảm so với năm trước.
Ở nhóm ngành sư phạm, ông Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức thông tin, từ năm 2020, 2021, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành tại trường khá cao, từ 22 điểm trở lên. Dự báo, năm nay điểm chuẩn của ĐH Hồng Đức có thể từ 22 đến 27-28 điểm, tùy từng ngành.
Song thầy Lê Hoằng Bá Huyền cũng lưu ý rằng, đây chỉ là dự báo ban đầu, còn thực tế điểm chuẩn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của thí sinh.