Ngày 3/8, thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận, điều trị cho nữ bệnh nhân 54 tuổi, nhập viện do hóc xương cá cỡ lớn.
Theo đó, thông tin cho biết cách đây ít ngày, bà L.T.T (trú tại TP. Uông Bí, Quảng Ninh) sau khi ăn cá đã vô tình bị hóc xương và được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng đau tức vùng cổ, nuốt vướng.
Qua thăm khám và trên kết quả chụp CT Scanner cột sống cổ phát hiện có dị vật tại thực quản. Sau khi hội chẩn, người bệnh được chỉ định nội soi lấy dị vật. Các bác sĩ đã nội soi phát hiện tại thực quản vị trí cách cung răng trước 20cm có 1 dị vật sắc nhọn, bề mặt niêm mạc thực quản trầy xước. Tiến hành gắp dị vật ra ngoài là một đoạn xương cá có kích thước khoảng 2,5x3cm có nhiều cạnh sắc.
Bác sĩ Đỗ Quang Út, Trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí), cho biết dị vật đường tiêu hóa trong lúc ăn uống thường là hóc xương cá hoặc các loại dị vật khác như tăm, tre, vỏ bao viên thuốc…
Dị vật thường mắc tại thực quản nên rất nguy hiểm, cần được cấp cứu xử lý sớm, nếu không sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề. Để phòng ngừa dị vật thực quản, hay hóc xương, người dân nên tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ; hạn chế nói chuyện, đùa giỡn khi ăn; cẩn thận với các loại thịt cá chưa được lọc bỏ xương hoặc trái cây sắc nhọn, có hạt lớn.
Để tránh bị hóc xương, người dân cũng lưu ý khi chế biến thức ăn, cần loại bỏ xương trước khi ăn cho những đối tượng như trẻ em và người già, chọn thực phẩm mềm, chú ý khi ăn uống các loại thực phẩm.
Lê Trang