Thí sinh gặp gỡ đại diện các trường đại học để tư vấn xét tuyển. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh chỉ còn khoảng một tuần nữa để đăng ký xét tuyển đại học. Tránh các sai lầm không đáng có để không bị trượt ở “phút 89” là điều được các chuyên gia giáo dục đặc biệt nhắc nhở thí sinh.
Điều bắt buộc phải làm
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy, hiện vẫn còn tỷ lệ rất lớn thí sinh chưa đăng ký xét tuyển nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bà Thủy cho rằng điều này có thể do thí sinh vẫn đang cân nhắc, chưa chốt nguyện vọng, nhưng cũng có thể do một bộ phận thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm của các trường và lầm tưởng các em không cần đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tôi xin nhấn mạnh lại là việc đăng ký xét tuyển lên hệ thống là bắt buộc. Thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở các trường nhưng không đăng ký lên hệ thống chung sẽ không trúng tuyển chính thức. Đây là lỗi có thí sinh đã gặp phải trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022,” bà Thủy cho hay.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc yêu cầu tất cả các thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các em. Theo đó, mỗi thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cao nhất từ nguyện vọng một. Hệ thống sẽ xét mỗi thí sinh chỉ đỗ một nguyện vọng và đó sẽ là nguyện vọng ưu tiên cao nhất mà các em đủ điều kiện.
Vì thế, một thí sinh có thể trúng tuyển sớm tới 10 trường, nhưng các em chỉ có thể vào học ở 1 ngành, 1 trường mà thôi, 9 vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác. Đây cũng là cách hệ thống lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau.
“Đó là những ưu thế của Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, đồng thời cũng tạo cơ hội cao nhất cho thí sinh,” bà Thủy nói.
Cẩn trọng và làm đủ quy trình
Tại chương trình tư vấn chọn ngành được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội mới đây, một phụ huynh lo lắng cho biết con ông đã thực hiện đăng ký xét tuyển nguyện vọng nhưng sau đó, khi vào kiểm tra lại thấy thông tin không còn lưu trên hệ thống.
Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy cho rằng có thể có hai nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này, thứ nhất là thí sinh đã không làm đủ quy trình, thứ hai là lỗi của hệ thống.
“Chúng tôi có cung cấp số điện thoại đường dây nóng để thí sinh có thể kịp thời liên hệ nếu là lỗi của hệ thống. Tuy nhiên, tôi cho rằng nguyên nhân có lẽ do thí sinh đã không làm đủ và chưa kết thúc quy trình đăng ký nên hệ thống chưa lưu dữ liệu. Các em lưu ý phải kết thúc quy trình, sử dụng nút ‘Hoàn thành’ (submit) để hệ thống ghi nhận những điều chỉnh, thay đổi mà các em vừa thao tác,” bà Thủy nói.
Hàng trăm thí sinh, phụ huynh chăm chú lắng nghe tư vấn về đăng ký xét tuyển đại học từ các chuyên gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chia sẻ từ thực tiễn công tác tuyển sinh, Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, một lỗi nhiều gặp phải khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng năm trước là nhầm mã ngành, mã trường, mã tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển… Vì vậy, ông Khánh khuyên thí sinh nên cẩn trọng trong từng bước khi thực hiện đăng ký.
Để giảm thiểu những nhầm lẫn của thí sinh, trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh hệ thống theo hướng thuận lợi hơn cho các em. Theo đó, thí sinh không phải đăng ký phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển mà chỉ cần cung cấp tối đa dữ liệu thông tin, hệ thống sẽ tự lọc phương thức, tổ hợp xét tuyển tối ưu nhất mà các em có thể trúng tuyển.
“Ví dụ, một ngành xét nhiều tổ hợp, căn cứ trên điểm thi tốt nghiệp của thí sinh, hệ thống sẽ xét tổng điểm của thí sinh theo tất cả các tổ hợp mà ngành đó xét để tối đa nhất khả năng đỗ của các em,” Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Không nên đăng ký quá ít nguyện vọng
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất.
Theo bà Thủy, điều này cho thấy có thể các em rất tự tin với điểm số của mình, hoặc các em đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và đặt nguyện vọng này lên nguyện vọng một. Tuy nhiên, vẫn có thể có những rủi ro khi điểm chuẩn của ngành đó có thể cao hơn điểm của thí sinh, hoặc có em đã trúng tuyển có điều kiện nhưng lại không nghiên cứu kỹ các điều kiện sơ tuyển nên khi hậu kiểm lại thành trượt.
Trước đó, trong mùa tuyến sinh đại học năm 2021, cả nước có 165 thí sinh có kết quả thi đạt từ 27 điểm trở lên (cho tổ hợp ba môn), trong đó có 3 em đạt tổng điểm trên 28 điểm, nhưng trượt đại học. Nguyên nhân chủ yếu do các thí sinh chỉ đặt một nguyện vọng duy nhất.
“Vì vậy, chúng tôi khuyên thí sinh không nên đăng ký quá ít nguyện vọng để tránh rủi ro,” bà Thủy cho hay.
Tư vấn cho thí sinh về chiến lược xét tuyển nguyện vọng, Phó giáo sư Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay do số nguyện vọng là không hạn chế và cạnh tranh hoàn toàn bằng điểm số nên thi sinh hãy đặt nguyện vọng yêu thích nhất lên cao nhất và giảm dần mức độ ưu tiên ở các nguyện vọng tiếp theo.
Thí sinh cũng không nên đặt tất cả các nguyện vọng đều ở trường tốp đầu để tránh rủi ro trượt tất cả các nguyện vọng mà nên xếp các nguyện vọng giảm dần theo mức điểm chuẩn đã tham khảo các năm trước./.
Hà An (Vietnam+)