(Báo Quảng Ngãi)- Chiếc xe hơi đầu tiên được nhập vào miền Trung vào đầu thế kỷ XX, có mui trần, gầm thấp, chỉ chở được 1 – 2 người. Sau đó, nhiều loại xe ô tô ra đời. Trong đó, có một loại xe hơi đặc biệt đã để lại dấu ân sâu đậm trong ký ức của người dân xứ Quảng, đó là xe “đờ – nôn”. Đó là những chuyến xe đò chở theo bao kỷ niệm ở thế kỷ trước.
Xe “đờ – nôn” chạy tuyến Quảng Ngãi – Tam Kỳ – Đà Nẵng vào năm 1972. ẢNH: Bettman Corbis |
Vào thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, loại xe phổ biến là xe “đờ – nôn” (Renauld Goélette) do Pháp chế tạo, cùng đời với xe Peugeot. Hãng Phi Long Tiến Lực dùng loại xe này chạy tuyến Quảng Ngãi – Quy Nhơn – Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên. Cùng một loại xe nhưng mỗi tỉnh đều có màu sơn khác nhau. Ở Quảng Ngãi, xe sơn phần trên màu đỏ nhạt, phần dưới màu trắng. Ở Quảng Nam, phần trên màu đỏ, phần dưới màu vàng. Do đó, hành khách nhìn màu xe có thể biết địa phương, tuyến đường, nơi đi, bến đỗ. Màu xe cũng là màu gợi nhớ quê hương, muốn đón xe về cho vơi nỗi nhớ nhà. Càng lùi về quá khứ, hình ảnh của những chuyến xe đò như thế càng hiếm thấy.
Ngày trước, hành khách đi xe “đờ – nôn” có một câu nói hài hước để đời: “Đi “đờ – nôn” mệt muốn nôn”. Mỗi chuyến xe, mỗi hành trình đều luôn có sự bất tiện. Xe chạy được vài cây số, lơ xe dừng lại đón trả khách, thêm vài cây số, đổ nước mui, chạy thêm vài cây số, dừng lại để sửa xe. Hành khách đôi lúc phải hợp sức với phụ xe đẩy xe cho nổ máy. Cà rịch, cà tang miết mới tới nơi. Dẫu vậy, đó vẫn là kỷ niệm một thuở khiến nhiều người da diết nhớ. |
May mắn là trong bộ sưu tập ảnh của Bettman Corbis, chụp vào năm 1972 có ghi lại khoảnh khắc chiếc xe “đờ – nôn” đang dừng lại tại địa phận huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Tín cũ) để đón khách, chất hàng. Xe sơn màu đỏ, trắng, trên thành xe ghi rõ tuyến Quảng Ngãi – Tam Kỳ – Đà Nẵng. Trong xe hành khách ngồi chật cứng, một người phụ nữ bám phía sau, trên mui chất nhiều loại hàng hóa như thúng, mủng, tủ, bàn và nhiều chiếc xe đạp. Hàng hóa trên mui xe là của hành khách đi buôn chuyến từ Quảng Ngãi ra Tam Kỳ, Đà Nẵng và ngược lại. Nhiều hành khách trong xe có thể là học sinh, sinh viên đi học xa nhà như các trường trung học, đại học tại Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế.
Cuối thập niên 80, phương tiện giao thông, chuyên chở hành khách đi lại trong khu vực nội tỉnh, quãng đường ngắn thường là xe đò. Thời bao cấp, vì xăng dầu khan hiếm nên xe “đờ – nôn” thường được lắp thêm động cơ đốt than. Sau xe có thùng hỏa tiễn nên gọi là xe hỏa tiễn. Mỗi lần dằn xóc thì than rơi vương vãi. Khi lên dốc thì lơ xe cứ phải cầm cục can chạy bộ theo gõ vào thùng than cho đượm lửa và phòng khi xe khựng lại là chêm ngay cục can vào bánh xe. Tài xế và phụ xe bị bụi đường và bụi than lấm lem mặt mũi. Lúc đi thì tươm tất, trắng trẻo, lúc về quần áo, mặt mũi đen thui…
Ngày ấy, nhu cầu đi lại, vận tải rất lớn nhưng chưa có nhiều xe chuyên dụng riêng nên ô tô vừa chở người, vừa chở hàng. Xe thường chất đầy hàng hóa trên nóc, người bu bám phía sau đuôi xe, thậm chí còn ngồi trên mui xe. Cái bàn đạp phía sau xe gặp bữa đông khách cũng bu bám gần chục người. Những năm 1980, mỗi ngày chỉ có một chuyến duy nhất đi các huyện miền núi. Từ cái khung xe “đờ – nôn” quen thuộc, cải tiến, độ lại thành xe rin 3 cầu để chở khách.
Xe “đờ – nôn” là loại “xe trung”, chỉ chạy ở tuyến liên tỉnh vài trăm kí lô mét, quãng đường liên tỉnh xa hơn thì có xe ca, xe lớn, loại xe này dài, rộng hơn, chở được nhiều hành khách. Những chuyến xe “đờ – nôn” trên Quốc lộ 1 một thời quen thuộc, gắn bó với cuộc sống của con người xứ Quảng. Loại xe này cũng lên miền núi, cao nguyên để giao thương, kết nối miền xuôi với miền ngược. Qua những bức ảnh tư liệu xưa về xe “đờ – nôn”, gợi lại bao ký ức khó quên một thời. Với những người ở đất khách, dáng xe và màu xe, biển số… luôn là hình ảnh gợi nhớ quê hương. Còn những ai sống qua thời bao cấp, khi xem lại hình ảnh xưa về những chuyến xe đầy ắp kỷ niệm, đều thấy rưng rưng, cảm xúc khó tả vì một thời gian khó…
TẤN VỊNH