Khi đặt vấn đề quy hoạch vùng thì phải tính ngay đến điều kiện cần và đủ cho yếu tố liên kết vùng là gì? Trong đó, đặc biệt lưu ý nguồn lực con người, yếu tố đặc trưng của từng vùng, yếu tố tác động của địa lý, môi trường, khí hậu…
Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để định hướng cho các quy hoạch khác
Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là văn bản pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu thành quả to lớn được tạo nên từ rất nhiều công sức, trí tuệ, quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia có hiệu quả của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để xây dựng nên một bản Quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên của đất nước.
Quan điểm chủ đạo của Nghị quyết số 81 là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Cùng với đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá.
Về không gian phát triển, quan điểm chủ đạo là bảo đảm liên kết vùng, liên vùng; phát triển có trọng tâm, trọng điểm; hình thành các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế, tích cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển.
Nghị quyết số 81/NQ-QH đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước…
Theo các chuyên gia, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để định hướng cho các quy hoạch khác. Trong đó, vấn đề quy hoạch vùng, quy hoạch ngành… có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, hiện nay các quy hoạch này vẫn đang còn những bất cập, chưa đạt được yêu cầu đặt ra.
Quy hoạch liên kết phải tính đến sức mạnh của công nghệ, chuyển đổi số
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: “Theo tôi, khi quy hoạch vùng cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố liên kết vùng, để từ đó tạo nên sức mạnh liên hoàn về kinh tế, văn hóa, xã hội, cả về sức mạnh đảm bảo quốc phòng – an ninh”.
Nữ Đại biểu Quốc hội phân tích: Thực tiễn cho thấy, yếu tố liên kết vùng lâu nay chúng ta làm vẫn chưa tốt. Bởi vì có thể quá trình thực hiện mới phát sinh những vấn đề bất cập, do đó, việc quy hoạch vùng hiện nay đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn, phải bao quát, dự báo, đánh giá được những tác động cơ bản trong tương lai. Vì vậy, từ khi đặt vấn đề quy hoạch vùng thì phải tính ngay đến điều kiện cần và đủ cho yếu tố liên kết vùng là gì? Trong đó, đặc biệt lưu ý nguồn lực con người, yếu tố tác động của địa lý, môi trường, khí hậu… Và phải tính đến yếu tố đặc trưng của từng vùng để hỗ trợ, bù đắp lẫn nhau.
“Trước đây, chúng ta cũng đã tính toán yếu tố đặc trưng vùng. Những vùng, tỉnh đã xác định được đặc trưng vùng thì phát triển rất nhanh, mạnh. Ví dụ như Quảng Ninh phát triển tốt về các khu kinh tế, thương mại, nghỉ dưỡng; hay Quảng Nam phát huy mạnh về kinh tế – xã hội ở Hội An, kết hợp giữa cổ kính và hiện đại; hoặc như Thừa Thiên Huế đã xác định đặc trưng di sản cảnh quan sinh thái môi trường… Còn nhiều địa phương nữa cũng xác định được đặc trưng khá rõ, tuy nhiên, cũng có không ít địa phương khác khi đặt trong mối liên kết thì lại chưa tốt. Phải tính toán sự liên kết vùng đấy có sự bù trừ, tương hỗ lẫn nhau, chứ nếu giả sử tỉnh nào cũng lấy đặc trưng là “văn hóa, di sản” thì sẽ bão hòa. Khi sức cạnh tranh cao thì sẽ dẫn đến dư thừa của thị trường, nhiều khả năng không phát huy được sức mạnh liên hoàn về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu nói.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, trong quy hoạch liên kết cũng phải tính đến sức mạnh của công nghệ, chuyển đổi số. “Ngay cả đối với vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo cũng cần phải dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư hỗ trợ về chuyển đổi số, công nghệ; kể cả nông nghiệp bây giờ cũng phải là “nông nghiệp công nghiệp”, nông thôn bây giờ cũng phải là “nông thôn mới”, nông thôn nâng cao kiểu mẫu, với sự vận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại; con người cũng phải là con người số… như vậy thì mới phát triển tốt và đồng bộ được. Trong quy hoạch vùng phải thể hiện được điều này”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.
Đối với quy hoạch ngành, bà Sửu cho rằng, cũng cần phải có sự bố trí, phân phối hài hòa giữa các tỉnh, thành; giữa miền núi và đồng bằng; giữa vùng thành thị với nông thôn; giữa vùng biên giới đường bộ với biên giới hải đảo. Rồi phải tính đến khu vực đồng bằng Nam Bộ – Bắc Bộ; Tây Bắc – Đông Bắc – Tây Nguyên – Tây Nam Bộ…
“Chúng ta phải tính toán thật kỹ việc quy hoạch ngành cho từng vùng là cái gì? Chứ nếu không thì miền múi lại như đồng bằng, như trung du; Tây Nguyên cũng như Tây Bắc… thì không được. Theo tôi phải có quy hoạch bài bản, chuyên sâu, có tầm nhìn dài hơi để khi ra sản phẩm của các ngành trong quy hoạch sẽ phát triển được và tạo ra thế mạnh của vùng, địa phương đối với ngành đã được quy hoạch”, nữ Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm.
N.Hường