Các nhà cổ sinh vật học mô tả một loài cá voi kỳ lạ nặng hơn gấp đôi cá voi xanh (85 – 340 tấn) từng sống ở vùng biển cổ đại ngày nay là Peru.
Một loài cá voi cổ đại khổng lồ sống cách đây 39 triệu năm thực sự là một quái vật nặng cân. Nó lớn hơn gấp đôi cá voi xanh, là động vật nặng nhất từng sống trên Trái Đất. Các nhà nghiên cứu gọi sinh vật thuộc họ động vật biển có vú đã tuyệt chủng sauribasilod là Perucetus colossus. Ước tính khối lượng cơ thể của nó vào khoảng 85.000 – 340.000 kg. P. colossus có chiều dài cơ thể khoảng 20 m, dài hơn đường lăn bóng bowling, theo nghiên cứu mới công bố hôm 2/8 trên tạp chí Nature.
Các nhà cổ sinh vật học phát hiện bộ xương chỉ còn một phần của loài động vật biển có vú đồ sộ trên cách đây 30 năm ở tỉnh Ica phía nam Peru. Từ sau đó, họ khai quật 13 đốt xương sống, 4 xương sườn và một xương hông.
“Một trong những đồng nghiệp của tôi trông thấy vết tích xương lộ ra khi tìm kiếm hóa thạch trên sa mạc Peru”, trưởng nhóm nghiên cứu Eli Amson, nhà cổ sinh vật học kiêm quản lý hóa thạch động vật có vú ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Stuttgart tại Đức, cho biết. “Đào hóa thạch mất nhiều thời gian do kích thước to lớn của nó. Mỗi chiếc xương sống nặng tới 150 kg”.
Nhóm nghiên cứu chỉ có thể ước tính P. colossus to lớn tới mức nào dựa vào số lượng xương hạn chế mà họ khai quật do phần lớn xác con vật bị phân hủy theo thời gian, bao gồm tất cả mô mềm. Tuy nhiên, những chiếc xương mà họ thu thập rất đặc, có nghĩa chúng rất nặng. Để chịu được bộ xương nặng như vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng mô mềm của cá voi nhiều khả năng nhẹ hơn xương, giúp nó nổi dễ hơn.
Kết quả là P. colossus chắc chắn có hình dáng rất kỳ lạ. Nhóm nghiên cứu mô tả nó giống lợn biển hiện đại với phần đầu rất nhỏ, cơ thể khổng lồ, tay và chân nhỏ xíu. Theo Amson, về mặt trọng lượng, P. colossus rõ ràng đồ sộ hơn cá voi xanh. Chiều dài cơ thể của nó ngắn hơn cá voi xanh. Tuy nhiên, rất khó ước tính chính xác có bao nhiêu mỡ và mô mềm bao quanh bộ xương.
Hình dáng kỳ quặc có thể giúp P. colossus duy trì lực nổi và cho phép nó lướt chậm trong nước, tương tự lợn biển. P. colossus không chỉ phá vỡ nhận thức về hình dáng của động vật nặng nhất hành tinh mà còn thách thức những gì giới nghiên cứu biết về quá trình tiến hóa của động vật biển có vú. Phát hiện này có nghĩa chúng đã đạt đỉnh về khối lượng cơ thể sớm hơn 30 triệu năm so với suy đoán trước đây.
“P. colossus chắc chắn di chuyển rất chậm và lặn ở vùng nước nông. Chúng tôi không biết nó ăn gì bởi đầu và răng của nó không còn nữa. Theo suy đoán của chúng tôi, nó dành phần lớn thời gian ở đáy biển và không đốt nhiều năng lượng để tìm nguồn thức ăn”, Amson nói.
An Khang (Theo Live Science)