Cách mới khai thác di sản
Mới chỉ 1 ngày ở Huế, nhiều du khách Hàn Quốc trong chuyến bay đầu tiên nối sân bay Incheon ở thủ đô Seoul đến sân bay Phú Bài của thành phố Huế hôm 1-8 đã đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hầu hết 151 du khách có ấn tượng sâu sắc với lịch trình đặc biệt mà ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế dành cho họ.
Theo đó, đoàn đã có những trải nghiệm độc đáo, khi được dự Dạ yến Hoàng cung, xem biểu diễn nhã nhạc, xem trình diễn cổ phục; xem lễ đổi gác tại Ngọ Môn. Họ cũng được vào sân điện Thái Hòa xem múa lân và đoàn rước cùng các hoạt động làng nghề truyền thống, trải nghiệm các hoạt động làng nghề truyền thống tại sân nhà hát Duyệt Thị Đường.
Trong lịch trình 4 ngày 3 đêm, đoàn còn được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan tổ chức thưởng trà trên thuyền ở hồ Ngọc Dịch; xem biểu diễn ca Huế, múa Phụng vũ; tham gia trải nghiệm các trò chơi Cung đình và nhiều hoạt động độc đáo khác.
“Tôi quá bất ngờ với những gì mình vừa được trải nghiệm. Những không gian, giai điệu đậm chất hoàng cung xưa của một triều đại Việt Nam vừa lạ lẫm thú vị, lại vừa có những nét tương đồng với hoạt động cung đình được phục dựng tại Hàn Quốc. Rất tuyệt”, anh Park Ji-hu, một du khách Hàn Quốc, chia sẻ.
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, lịch trình này đã được phía Việt Nam và đối tác Hàn Quốc nghiên cứu, chọn lọc đưa vào chương trình được thiết kế riêng cho đoàn khách Hàn Quốc, nhằm tạo ấn tượng sâu đậm. Qua đó, các bên kỳ vọng du khách có những ấn tượng đáng nhớ về những giá trị di sản văn hóa cung đình đặc sắc nhất cũng như những dấu ấn mới mẻ trên nền tảng truyền thống của Cố đô Huế.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Kết nối với Việt Nam – Engaging with Vietnam (EWV)” lần thứ 14 với chủ đề “Sống cùng di sản, tái tạo/tạo di sản: Việt Nam và Thế giới” đang diễn ra tại Huế từ ngày 1 đến 6-8-2023 với 500 đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Văn hóa xứ Huế – Thừa Thiên – Huế, di sản văn hóa kinh đô Huế và xứ Huế nói chung là một hiện tượng lịch sử, cần được tiếp cận, khai thác phù hợp.
Theo đó, tài nguyên di sản Huế có 3 cấu thành quan trọng, kết thành một thể thống nhất gồm: Di sản kiến trúc, trong cách hiểu mở; Di sản và vốn liếng hiện hữu của văn hóa kinh đô và xứ Huế; Đô thị – di sản. Với cách tiếp cận tổng thể này, việc gìn giữ di sản kiến trúc và phát huy di sản văn hóa sẽ vừa giữ được hồn cốt của Huế, vừa thu hút thêm du khách, phục vụ cho bảo tồn và phát triển.
Trong tháng 7-2023, lượng du khách đến Thừa Thiên – Huế ước đạt gần 300.000 lượt, tăng 23,1% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 52 nghìn lượt, gấp 1,6 lần. Doanh thu từ du lịch ước đạt 668,5 tỷ đồng, tăng 14,3%. Tính từ đầu năm 2023, tỉnh đón hơn 1,8 triệu lượt khách, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 627,8 nghìn lượt, gấp 15,3 lần. Tổng thu từ du lịch ước đạt 4.277,5 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Đà Nẵng đậm chất lễ hội
Tháng 7 đánh dấu một bước phát triển mới đáng mừng của ngành Du lịch Đà Nẵng, được coi như bước phục hồi ngoạn mục sau dịch Covid-19 và là thành quả đáng ghi nhận của chiến lược trở thành “Thành phố Lễ hội” mà địa phương này đang thực hiện.
Theo thống kê, trong tháng 7-2023, Đà Nẵng đã đón gần 782 nghìn lượt du khách, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 78,5% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính từ đầu năm, có hơn 4,3 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, tăng 110,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 1.144 nghìn lượt, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ; khách trong nước 3.182,8 nghìn lượt, tăng 66,7% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, số ngày lưu trú bình quân của khách trong 7 tháng là 1,75 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,27 ngày/lượt; khách trong nước là 1,44 ngày/lượt. Dự ước tháng 7-2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.185,2 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 30,7% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Đà Nẵng ước đạt 12.986 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đánh giá các hoạt động du lịch đang từng bước được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Các sự kiện, lễ hội liên tục được tổ chức, góp phần tạo không khí sôi động, tươi mới, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Hòa cùng chuỗi sự kiện ”Lễ hội Tận hưởng mùa hè 2023 – Wow Đà Nẵng” là các sự kiện nổi bật như: Lễ hội mùa hè “Bà Nà Wow Summer Festival”; lễ hội ẩm thực và bia 2023 B’festival; tuần lễ văn hóa Hàn Quốc, Pháp; show diễn chủ đề “Hoạt động Bà Nà By Night – Vui mê say”; các hoạt động mới tại Công viên suối khoáng Núi Thần Tài. Đặc biệt, việc tổ chức trở lại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sau 3 năm tạm dừng vì dịch bệnh đã tạo nên không khí rộn ràng, sôi động.
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, tiếp nối thành công với danh hiệu Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á năm 2022 do World Travel Awards trao tặng, năm 2023, du lịch Đà nẵng đã và sẽ hứa hẹn mang đến nhiều lễ hội, sự kiện hoành tráng hơn nữa.