Cao Bằng sắp vào thời điểm đẹp nhất trong năm khi lúa bắt đầu chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang… thu hút du khách tới check-in, khám phá.
Mùa lúa chín ở thung lũng Phong Nậm, Cao Bằng. Ảnh: Cao Kỳ Nhân
Cao Bằng là một tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây sở hữu địa thế hiểm trở, với thiên nhiên tươi đẹp, có hồ, có núi và hệ thống hang động độc đáo, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Dưới đây là gợi ý lịch trình 3 ngày 2 đêm khám phá Cao Bằng:
Di chuyển
Cao Bằng cách Hà Nội khoảng 285km, thời gian di chuyển khoảng 6 – 7 tiếng. Du khách có thể lựa chọn đi xe khách giường nằm, tự lái ôtô hoặc phượt bằng xe máy tới mảnh đất này.
Nếu chọn di chuyển bằng ôtô giường nằm từ Hà Nội tới Cao Bằng, lên xe lúc 21h30 tối hôm trước, du khách sẽ đến nơi vào 5h30 sáng hôm sau. Lúc này, bạn có thể thuê xe máy để dễ đi đến các điểm tham quan, giá thuê 200.000 đồng/xe/ngày.
Ngày 1: Hà Nội – thành phố Cao Bằng – suối Lênin, hang Pác Bó – đèo 14 tầng
Đến thành phố Cao Bằng từ sáng sớm, du khách di chuyển về homestay nhận phòng, làm hợp đồng thuê xe máy, rồi đi ăn sáng. Chọn lưu trú tại thành phố Cao Bằng sẽ thuận lợi cho việc di chuyển đến những địa điểm tham quan.
Đầu tiên, du khách có thể tới khu di tích lịch sử Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 52 km.
Giường Bác Hồ nghỉ và làm việc trong hang Cốc Bó.
Tại đây, bạn sẽ thăm nơi Bác Hồ từng sinh sống và làm việc khi trở về Việt Nam năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Hang Cốc Bó, chiếc bàn đá “chông chênh” lịch sử Đảng, lán Khuổi Nặm, hòn đá Người vẫn ngồi câu cá sau giờ làm việc, cây ổi Bác từng lấy lá đun nước uống, vườn trúc Bác trồng… gần như vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Suối Lênin có màu nước xanh ngọc bích.
Suối Lênin nằm nép mình dưới chân núi Các Mác. Nước suối lúc nào cũng mát rượi, trong vắt, có màu xanh rất đẹp. Có chỗ thì xanh lục, xanh lam, có chỗ lại mang màu xanh ngọc bích, xanh thẫm…
Quãng đường đi bộ tại khu di tích Pác Bó khá dài, nhiều đoạn trơn trượt, bạn nên đi giày thể thao, giúp thuận tiện khi di chuyển, tránh té ngã.
Buổi trưa, du khách dừng chân nghỉ ngơi ăn uống. Đầu giờ chiều, du khách xuất phát đi đèo 14 tầng Mẻ Pia, hay còn có tên gọi khác là Khau Cốc Chà. Con đèo uốn lượn, quanh co, khúc khuỷu có tổng chiều dài 2,5km này thuộc một trong 10 cung đèo nguy hiểm nhất Việt Nam.
Du khách có thể ngồi tại lán của người dân nghỉ ngơi, uống nước, phí gửi xe 20.000 đồng, sau đó leo núi khoảng 3km tới vị trí đẹp ngắm toàn cảnh con đèo từ xa.
Từ nay đến hết tháng 12.2023, người dân và du khách tạm thời không thể đi qua tuyến đường đèo do đang tu sửa, nâng cấp. Kinh phí đầu tư khoảng 39 tỉ đồng, với các hạng mục mở rộng tầm nhìn, thảm bê tông nhựa toàn bộ mặt đường, bổ sung hệ thống an toàn giao thông…
Đến tối, du khách quay trở lại thành phố Cao Bằng nghỉ ngơi, khám phá đặc sản núi rừng.
Ngày 2: Thác Bản Giốc – động Ngườm Ngao – núi Thủng – thành phố Cao Bằng
Từ trung tâm thành phố Cao Bằng đi khoảng 84km, bạn sẽ tới thác Bản Giốc, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Cung đường di chuyển qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu với nhiều khúc cua tay áo.
Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất và đẹp nhất Đông Nam Á, nằm giữa biên giới Việt – Trung. Từ xa nhìn lại, thác Bản Giốc đứng hiên ngang sừng sững giữa núi rừng. Phải tận mắt ngắm nhìn du khách mới cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của con thác này. Từng dòng nước thác tuôn xối xả trên những phiến đá, tung bọt trắng xóa, đẹp tựa bức tranh thủy mặc.
Du khách có thể thuê bè gỗ đi đến gần chân thác, giá 50.000 đồng/lượt. Dưới dòng nước thác chảy xiết là mặt hồ yên tĩnh, hiền hòa, có màu xanh ngọc bích.
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ 4 trên thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia
Bên cạnh hệ thống thác Bản Giốc chính, còn có những thác nhỏ bên cạnh.
Tháng 10 tới, khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) và Đức Thiên (Trung Quốc) sẽ kết hợp thí điểm đón khách du lịch tới tham quan. Giá vé thí điểm là 70.000 đồng/người, áp dụng phía Trung Quốc sang Việt Nam. Miễn phí vé du khách từ phía Việt Nam sang Trung Quốc.
Phạm vi thí điểm tại Việt Nam gồm trạm kiểm tra trên lối qua lại khu cảnh quan, khu vực chân thác, khách sạn Sài Gòn Bản Giốc, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, khu dịch vụ, ẩm thực. Bên phía Trung Quốc sẽ gồm trạm kiểm tra điểm thác Đức Thiên, phố mua sắm, đường dành cho xe du lịch, đường đi bộ ven sông trong khu cảnh quan.
Động Ngườm Ngao mang một vẻ đẹp hoang sơ, tráng lệ.
Tiếp tục di chuyển khoảng 5 km, bạn sẽ tới động Ngườm Ngao nằm trong lòng một quả núi thuộc bản Gun. Theo tiếng Tày, Ngườm có nghĩa là hang, Ngao có nghĩa là Hổ.
Hang động này có tổng chiều dài hơn 2000m với 3 cửa chính ở các hướng khác nhau là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm, Ngườm Bản Thuôn. Trong động có vô số khối thạch nhũ niên đại cả trăm triệu năm, đủ mọi hình dáng lấp lánh.
Có 2 mức vé khi tham quan động Ngườm Ngao. Mức vé 45.000 đồng được nhiều người lựa chọn, du khách sẽ được tham quan khoảng 1/10 hang động. Nếu nhiều thời gian, bạn có thể chọn loại vé tour trải nghiệm 195.000 đồng/người để khám phá tất cả hệ thống động mới được đưa vào khai thác tham quan từ tháng 12.2021, có trang bị đầy đủ áo phản quang, đèn pin, giày dép, có hướng dẫn viên đi cùng.
Lối đi trong hang động đã được làm các bậc thang nhưng vẫn khá trơn, cần cẩn thật khi di chuyển để tránh trượt chân.
Đầu giờ chiều, du khách di chuyển khoảng 60 km đến núi Thủng, nằm trong quần thể hồ Thang Hen, thuộc Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Núi Thủng còn có nhiều tên gọi khác là Mắt Thần Núi, núi Mắt Thần, núi Mắt Rồng.
Núi Thủng mang một vẻ đẹp yên bình.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, núi Thủng là một hang khô hóa thạch được hình thành từ 300 triệu năm về trước. Giữa lưng chừng ngọn núi có một lỗ thủng lớn xuyên qua lòng núi, đường kính chỗ rộng nhất lên tới gần 35m.
Bên cạnh núi Thủng là hồ Nậm Trá. Xung quanh hồ đầy những đỉnh núi san sát, trùng điệp, tạo nên một quang cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Dưới chân núi là một vùng thung lũng rộng lớn.
Mùa khô từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, toàn bộ thung lũng trải dài một thảm cỏ xanh biếc với những con suối uốn lượn xung quanh. Du khách có thể cắm trại, vui chơi thỏa thích tại đây. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, cả thung lũng biến thành hồ nước trong xanh rộng đến 15 ha.
Muốn ngắm hoàng hôn, hãy đến mặt trước của núi Thủng, còn ngắm mặt trời mọc thì đi ra phía mặt sau. Lưu ý, du khách nên hỏi người dân bản địa để biết đường đi đúng, tránh đi lạc.
Chiều tối, du khách lên xe quay lại thành phố Cao Bằng, cách đó khoảng 50km nghỉ ngơi.
Ngày 3: Thành phố Cao Bằng – Nghiêu Sơn Lĩnh – Hà Nội
Trước khi lên xe trở về Hà Nội, bạn có thể ghé đến Nghiêu Sơn Lĩnh, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 2km. Đây là vùng sơn cước nằm tại hữu ngạn dòng sông Bằng, gắn liền với lịch sử của mảnh đất này.
Nghiêu Sơn Lĩnh có 2 đỉnh núi là Khau Thước và Khau Khiêu. Nằm giữa 2 ngọn núi là tòa thành Nà Lữ, thuở xưa từng là nơi đóng quân chống giặc phương Bắc. Ngày nay, chỉ còn một đoạn thành rộng 15m chạy dài quanh chân núi.
Ăn uống
Du lịch Cao Bằng, không thể bỏ qua những món ăn đặc sản nổi tiếng nơi đây như xôi trám, khẩu sli (bánh gạo nếp nổ), bánh trứng kiến (đặc sản có vào tháng 4 đến tháng 5), bánh cuốn, khâu nhục, cá chiên, bánh khảo, bò gác bếp, cơm lam, phở chua…
Chi phí
Tổng chi phí cho cả chuyến đi 3 ngày 2 đêm khoảng 2 triệu đồng/người. Trong đó vé xe giường nằm khứ hồi 600.000 – 700.000 đồng/người, thuê xe máy 200.000 đồng/ngày, vé tham quan thác Bản Giốc 45.000 đồng/người, vé đi bè ở thác Bản Giốc 50.000 đồng/người, vé động Ngườm Ngao 45.000 đồng/người… Ngoài ra là chi phí dành cho ăn uống tùy nhu cầu.
Laodong.vn