Nga không có kế hoạch sử dụng quân đội ở Niger, một nhà ngoại giao hàng đầu cho biết hôm 2/8, bác bỏ quan điểm phổ biến trên mạng xã hội rằng Nga sẽ đứng về phía quân sự với những kẻ âm mưu đảo chính ở quốc gia này.
“Nga phản đối giải pháp quân sự cho cuộc xung đột, và không có kế hoạch sử dụng lực lượng vũ trang của mình ở Niger”, Đại sứ Nga tại Nigeria Alexei Shebarshin cho biết.
Đã có những tin đồn rằng Nga sẽ hỗ trợ Niger về mặt quân sự nếu Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) thực hiện lời đe dọa sử dụng vũ lực để khôi phục chính phủ được bầu cử dân chủ ở đó quốc gia Tây Phi.
Tin đồn này càng được củng cố khi phe đảo chính tuyên bố rằng họ đang từ bỏ sự ủng hộ của phương Tây để giành được sự ủng hộ của Nga.
Ngoài ra, rất nhiều người Niger đã tuần hành ủng hộ cuộc đảo chính đã đốt cờ Pháp và giương cờ Nga, tạo ấn tượng rằng Nga đứng sau phe đảo chính.
Trong tuyên bố của mình, ông Shebarshin khuyên Niger nên giải quyết các vấn đề của mình một cách độc lập và phù hợp với hiến pháp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng khẳng định, Nga tin rằng cuộc đảo chính là một hành động đi ngược với hiến pháp và cần phải khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat hôm 1/8 cũng nhất trí rằng “không có giải pháp quân sự nào có thể chấp nhận được” đối với cuộc khủng hoảng ở Niger.
Ngày 26/7, lực lượng bảo vệ Tổng thống Niger bất ngờ bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum và tuyên bố phế truất ông ngay sau đó với lý do tình hình an ninh đang xấu đi và việc quản lý kinh tế – xã hội ở nước này ngày càng yếu kém.
“Tất cả các tổ chức trong nước sẽ bị đình chỉ, biên giới bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm đã được áp dụng cho đến khi có thông báo mới”, lực lượng này tuyên bố.
Đến ngày 1/8, biên giới trên bộ và trên không của Niger với 5 quốc gia láng giềng, bao gồm Algeria, Burkina Faso, Libya, Mali và Chad đã được mở lại.
Hôm 30/8, ECOWAS đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu lực lượng đảo chính phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum.
“Trong trường hợp các yêu cầu của chính quyền không được đáp ứng trong vòng một tuần, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết, bao gồm việc sử dụng vũ lực để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger”, ECOWAS cho biết trong một tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh ở Abuja, Nigeria, ngày 30/7.
Ngoài ra, ECOWAS cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với Niger, đóng băng tài sản của nước này và áp đặt các biện pháp trừng phạt khác đối với phe đảo chính. Động thái của ECOWAS đã nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu EU và Liên Hợp Quốc.
Nguyễn Tuyết (Theo Premium Times, TRT World)