LCĐT – Đứng lên sau những thất bại, khởi nghiệp trong “tâm bão”, những đoàn viên, thanh niên của Lào Cai với quyết tâm, nghị lực đã viết lên câu chuyện, hành trình của riêng mình, ghi dấu sức trẻ giữa muôn vàn gian khó.
Khởi nghiệp trong “tâm bão”
“Cao nguyên trắng Bắc Hà” từ lâu đã được biết đến với vùng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trải qua bao đổi thay của thời cuộc, từng có thời điểm vùng chè bị thu hẹp khi bà con loay hoay không tìm được cách khai thác đúng hướng. Nhận thấy những giá trị kinh tế mà “kho vàng xanh” này mang lại, cùng với mong muốn bảo tồn giống chè cổ của quê hương, đoàn viên Sải Thị Bích Huế, sinh năm 1989 ở thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải đã sản xuất, chế biến, tạo ra những sản phẩm chè độc đáo.
Huế là người con của đồng bào Phù Lá, sinh ra và lớn lên ở Bắc Hà nên chẳng xa lạ với câu chuyện về giống chè cổ, nhưng chưa khi nào chị nghĩ đây sẽ là hướng phát triển kinh tế của bản thân. Thế rồi “cơ duyên” giữa chị với cây trồng này đến vào năm 2021, thời điểm chị thành lập Hợp tác xã Quang Tom.
Chị Sải Thị Bích Huế, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà khởi nghiệp với các sản phẩm làm tư chè cổ thụ. |
Thời điểm ấy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh rơi vào cảnh lao đao nhưng chị vẫn quyết tâm khởi nghiệp. Vùng nguyên liệu được chị lựa chọn là một số xã có giống chè cổ, gồm Hoàng Thu Phố, Lùng Phình, Tả Củ Tỷ, Tả Van Chư và xã Nậm Mòn. Sản phẩm đầu tiên mà Hợp tác xã Quang Tom đưa ra thị trường là “Lục Shan trà”. Khi mới bắt tay thực hiện, những mẻ chè đầu tiên bị hỏng nhưng đổi lại, chị có thêm bài học kinh nghiệm, tìm được công thức riêng. Cùng với đó, khó khăn về vốn, về cơ sở vật chất đặt ra không ít áp lực với một cô gái trẻ đang khao khát thực hiện ước mơ.
Vừa chăm con thơ, vừa cố gắng khởi nghiệp giữa bộn bề khó khăn, chị Sải Thị Bích Huế vẫn quyết tâm, nỗ lực thực hiện và đã thành công. Đến nay, Hợp tác xã Quang Tom xây dựng được 3 sản phẩm có nguyên liệu từ chè cổ, gồm “Lục Shan trà”, “Hồng Shan cổ trà”, “Bạch Shan cổ trà”, trong đó “Lục Shan trà” được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Phần lớn sản phẩm chè của hợp tác xã được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và tại Hà Nội. Chị Huế đang dự định chế biến sâu một số sản phẩm trà cao cấp, nâng tầm thương hiệu chè cổ thụ của Bắc Hà.
Ngoài các sản phẩm trà, Hợp tác xã Quang Tom còn chế biến mận tam hoa sấy dẻo, sản phẩm này cũng đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Gian nan không nản lòng
“Gần 5 năm phát triển kinh tế gia đình thì có đến 3 năm thất bại, thua lỗ, nhưng vợ chồng tôi không chùn bước. Tôi nghĩ rằng đó là thử thách của nghề nông chứ không phải mình chọn sai hướng đi. Ngã ở đâu đứng lên ở đó, tôi vẫn quyết tâm với hướng đi mà mình đã chọn”. Đó là chia sẻ của chị Sùng Thị Mai Thương, sinh năm 1997 ở thôn Nậm Cút, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) về câu chuyện phát triển kinh tế của gia đình. Chị Thương là người con của đồng bào Mông, quê ở xã Minh Tân (huyện Bảo Yên). Năm 2019, chị lập gia đình cùng anh Trần Khắc Sỹ, sinh năm 1994 ở thôn Nậm Cút, xã Xuân Quang, cả hai đều có điểm chung là vun đắp chí hướng lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất Xuân Quang.
Năm 2019, vợ chồng chị Thương đầu tư nuôi dúi và một số gia cầm, nhưng do đầu ra bấp bênh và dịch bệnh khiến mô hình thua lỗ 50 triệu đồng. Sau đó, gia đình chuyển sang nuôi lợn với quy mô đàn ban đầu khoảng 50 con, rồi nâng tổng đàn lên 100 con vào năm 2020. Thế nhưng chỉ được lứa lợn xuất bán dịp đầu năm là đạt giá như mong đợi, liên tục sau đó vì dịch Covid-19 kéo dài và dịch tả lợn châu Phi khiến việc chăn nuôi thua lỗ tới 300 triệu đồng. Không nản, năm 2021, vợ chồng trẻ tiếp tục đầu tư 80 triệu đồng buôn bán gia cầm và rồi cũng trắng tay khi các nhà hàng, khách sạn liên tục đóng cửa do dịch Covid-19.
Vợ chồng chị Sùng Thị Mai Thương lập nghiệp trên đồng đất Xuân Quang, huyện Bảo Thắng. |
“Liên tục thất bại, nhiều lúc tôi cũng nản lòng, cứ tự nghĩ sao mình lập nghiệp khó khăn thế. Nhưng tôi vẫn tự nhủ, khó khăn nào cũng sẽ qua đi, nếu mình đủ quyết tâm và bản lĩnh”, anh Trần Khắc Sỹ, chồng chị Thương bộc bạch.
Những gian nan, vất vả dần vơi, hoạt động kinh tế của gia đình chị Thương, anh Sỹ bước đầu ổn định. Hiện nay, đôi vợ chồng trẻ đang duy trì chăm sóc đàn lợn khoảng 200 con; trồng hơn 200 gốc ổi Đài Loan, 200 cây mít Thái, 400 cây cam Vinh, hơn 2 ha quế và 1 ha mỡ, trẩu. Hết năm 2022, sau khi trừ các chi phí, vợ chồng chị thu về hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi và một phần diện tích cây ăn quả. Khoản thu chưa cao nhưng đã tiếp thêm động lực để vợ chồng chị gắn bó với nghề nông, vững tâm lập nghiệp…
Dù hướng lập nghiệp, khởi nghiệp của mỗi đoàn viên, thanh niên khác nhau, nhưng điểm chung của họ là sự mạnh dạn, dám dấn thân và không sợ thất bại. Ý chí và nghị lực của những người trẻ tuổi là nguồn năng lượng dồi dào để họ vượt qua những rào cản, gian khó và cho thấy hình ảnh về một thế hệ trẻ hôm nay luôn hết mình để hiện thực hóa những ước mong và khao khát vươn lên.