Cơn sốt gom vàng
Cơn sốt gom vàng bùng lên trên phạm vi toàn cầu trong vài năm qua với người mua là ngân hàng trung ương các nước (NHTW). Đây cũng là đại diện cho nhu cầu của giới thượng lưu.
Trong năm 2022, sức cầu tiêu thụ vàng tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn thập kỷ nhờ hoạt động mua vào dữ dội của NHTW các nước.
Sức cầu tiêu thụ vàng của NHTW giảm nhẹ trong quý II/2023 nhưng vẫn ở mức “rất tích cực”. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), sức cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm giao dịch OTC, không qua sàn) trong quý II/2023 đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 921 tấn, do các ngân hàng trung ương giảm tốc độ mua và tiêu thụ.
Tuy nhiên, sức cầu từ vàng trang sức và các nhà đầu tư vẫn ổn định trong thời kỳ thế giới bất ổn, qua đó giúp duy trì giá vàng ở mức cao trong quý II/2023.
Theo WGC, trong nửa đầu năm 2023, NHTW các nước tiếp tục mua 387 tấn vàng, mức cao kỷ lục so với cùng kỳ tất cả các năm kể từ 2000 cho tới nay. Mức tiêu thụ vàng của nhóm đối tượng này giảm trong 3 tháng vừa qua, nhưng vẫn ở mức cao.
Một điều cũng đáng lưu ý là tiêu thụ vàng trang sức trong quý II vẫn tăng cho dù giá vàng tăng cao trong khoảng thời gian này. Theo WGC, tiêu thụ vàng trang sức đạt 476 tấn trong quý II, tăng 3% so với cùng kỳ cho dù tiêu thụ vàng của Trung Quốc thấp không như kỳ vọng của thị trường.
Kinh tế Trung Quốc hồi phục khá chậm. Thị trường bất động sản của nước này chưa có chính sách đủ mạnh để hồi phục, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng chung.
Một “cá mập” hay mua vàng khác là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quý II, nước này phải bán vàng ra nhưng tính chung lại vẫn mua ròng 103 tấn.
Theo WGC, nếu tính cả giao dịch trên thị trường tự do OTC (không qua sàn giao dịch vàng), tổng mức tiêu thụ vàng trong quý II/2023 tăng 7% lên 1.255 tấn.
Sản xuất vàng ước đạt kỷ lục mới là 1.781 tấn trong nửa đầu năm 2023.
Tổng mức tiêu thụ vàng cũng bị kéo xuống một phần do cầu sử dụng trong công nghệ còn thấp do mặt hàng điện tử tiêu dùng tiếp tục yếu.
Xu hướng vàng không rõ ràng
Theo một số báo cáo gần đây, xu hướng mua ròng của NHTW có thể sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh rủi ro địa chính trị còn lớn và và lạm phát ở mức cao, một số nền kinh tế hồi phục.
Kinh tế Mỹ được dự báo nhiều khả năng sẽ hạ cánh mềm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tránh được kịch bản đẩy nước Mỹ vào suy thoái, khi lạm phát chậm lại và tăng trưởng mạnh bất chấp 11 lần Fed tăng lãi suất. Theo Goldman Sachs, xác suất Mỹ suy thoái giảm xuống còn 20%.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất một lần nữa và có thể giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian dài để kéo lạm phát xuống. Nếu đúng như vậy, USD sẽ tăng trong ngắn và trung hạn, qua đó tác động tiêu cực lên giá vàng.
Trong phiên giao dịch đầu tháng 1/8, giá vàng giao ngay giảm khá mạnh, mất gần 20 USD xuống còn 1.948 USD/ounce do đồng USD tăng giá.
Ở chiều ngược lại, kinh tế khu vực châu Âu và Trung Quốc cũng có những tín hiệu tích cực. Điều này khiến đà tăng của đồng USD chậm lại.
Số liệu mới nhất đặt ra khả năng châu Âu có thể qua suy thoái, dù hoạt động kinh tế của khu vực này vẫn chưa hồi phục đủ để kích thích tăng trưởng. Dữ liệu chính thức cho thấy, GDP của Pháp đã tăng 0,5% trong quý II so với quý liền trước nhờ hoạt động ngoại thương mạnh mẽ. Tây Ban Nha báo cáo mức tăng trưởng GDP là 0,4%. Kinh tế Đức đang đi ngang.
Trong khi đó, nhu cầu vàng của Trung Quốc dự báo có thể sẽ tăng trong nửa cuối năm nay nhờ các chính sách kích thích nhằm thúc đẩy tiêu dùng và nhu cầu của nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn. Đây cũng là mùa cao điểm truyền thống về tiêu thụ trang sức vàng liên quan đến kỳ nghỉ lễ.
Bắc Kinh đang đưa ra các giải pháp để vực dậy thị trường bất động sản, qua đó đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại. Nền kinh tế lớn thứ 2 hồi phục sẽ khiến đồng Nhân dân tệ tăng giá, qua đó gây sức ép lên đồng USD.
Đồng bạc xanh cũng chịu ảnh hưởng từ một xu hướng đảo chiều giảm giá trong dài hạn sau một chu kỳ tăng lãi suất mạnh chưa từng có trong nhiều thập kỷ với 11 lần với tổng mức tăng 525 điểm cơ bản.