Làm báo từ năm 20 tuổi, là phóng viên Báo Giải Phóng, có gần 10 năm chiến đấu bằng cả vũ khí và ngòi bút ở chiến trường miền Nam, nay ở tuổi 84, nhà báo, chiến sĩ, thương binh Kim Toàn vẫn miệt mài với nghề viết và vừa ra mắt cuốn sách “Hai lần vượt Trường Sơn” (Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2023).
Nhà văn Đinh Thường, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng cảm nhận: Đọc cuốn sách, chắc chắn các bạn cũng như tôi càng thấu hiểu sự hy sinh, gian khổ của quân và dân ta trên con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong đó có các nhà báo.
“Hai lần vượt Trường Sơn” là những ghi chép của nhà báo Kim Toàn về từng ngày hành quân trên suốt tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại để vào chiến trường Nam Bộ tác nghiệp, chiến đấu. Sách dày 448 trang, gồm 3 phần.
Phần một, Thăm thẳm Trường Sơn, ghi lại hành trình 4 tháng 11 ngày, bắt đầu từ 16-3-1966 đến ngày 28-7-1966. Tác giả và đồng đội trên vai nặng trĩu ba lô với tư trang, tăng võng, gạo, súng đạn, máy ảnh, giấy bút… chống gậy, trèo đèo lội suối vượt qua bao lưới lửa, túi bom của địch, cùng những hiểm nguy từ rừng sâu, núi thẳm, bệnh tật, đói rét… trên dải Trường Sơn để thực hiện lời thề “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Phần 2, Thênh thang Trường Sơn, ghi lại ký ức về cuộc hành quân lần thứ hai của tác giả vượt Trường Sơn ra Bắc vào thời gian từ ngày 11-2-1974 đến tháng 5-1974. Cuộc vượt Trường Sơn lần này đầy khó khăn, trắc trở khi toàn bộ thành viên đều mang trên mình thương tật và những căn bệnh hiểm nghèo sau những năm tháng ở chiến trường ác liệt. Nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, sự tận tâm cứu chữa của các bác sĩ, nhờ những dòng máu ân tình của nhiều cán bộ, chiến sĩ tiếp cứu, và hẳn là được nhờ cả hồng phúc của tổ tiên, ông đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình và ân tình của bà con, đồng đội.
Phần 3, Những tình cảm chân thành dành cho nhà báo Kim Toàn và các đồng nghiệp tại chiến trường, giới thiệu 11 bài viết với hơn 100 trang những điều tâm đắc của bạn bè, đồng nghiệp khi đọc những cuốn sách của nhà báo Kim Toàn viết về những năm tháng làm báo ở chiến trường.
Ghi chép những chi tiết chân thực, cụ thể, sống động kèm theo những tư liệu quý giá…, tác giả Kim Toàn đã góp phần cùng với nhiều tác phẩm, tác giả tái hiện toàn cảnh tuyến đường huyền thoại Trường Sơn và chiến trường miền Đông Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc. Tác giả cuốn hút người đọc không chỉ theo từng trang sách, mà còn hoà với những xúc cảm của người kể, vào một tập thể gan dạ, dũng cảm, vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc để đi tới đích giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Hai lần vượt Trường Sơn” còn là cuốn sách quý về nghề nghiệp của một người làm báo, trong đó đúc rút nhiều kinh nghiệm, phong phú từ hình thức thể hiện tác phẩm đến ý thức, cách thức tác nghiệp, quan sát, ghi chép, giữ gìn tư liệu…
Nhà văn Dương Thị Nhụn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng nhận xét, “Hai lần vượt Trường Sơn” ngồn ngộn tư liệu được ghi chép gần như hằng ngày trong suốt hơn 4 tháng trời… Tác phẩm đã vượt xa khuôn khổ của một cuốn nhật ký. Bởi ngoài việc chứa đựng trình tự thời gian, sự kiện, lý tưởng, ý chí, tình yêu của tác giả và đồng đội, nhà báo Kim Toàn đã thể hiện các bài viết bằng bút pháp sinh động, chân thật và đậm nhân sinh.
“Đọc 450 trang sách của ông, tôi bị hút vào với những chi tiết đời thường. Khúc tráng ca bi thương đã trở thành bản hùng ca!”, nhà văn Dương Thị Nhụn chia sẻ.
“Hai lần vượt Trường Sơn” là cuốn sách thứ tư mà nhà báo Kim Toàn cho ra mắt trong một thời gian ngắn. Trước đó, từ năm 2017 đến 2020, với bút danh Cao Kim, tác giả cho ra mắt bạn đọc 3 đầu sách: “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch”, “Làm báo ở chiến trường – chuyện những người trong cuộc”, “Viết trong lửa đạn” (cùng do Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản).
Trong những cuốn sách này, tác giả đã phác họa rất sinh động những tấm gương sáng trong làng báo Việt Nam. Đó là nữ nhà báo Thụy Nga (Bảy Vân), phu nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn (trong bài Nữ nhà báo vượt biển về Nam); là nhà báo Hồng Châu (tức Thép Mới), Tổng Biên tập Báo Giải Phóng; là tấm gương hy sinh anh dũng của nhà báo Trương Thị Mai (trong bài Chuyện người đi mãi không về)…