Hội thảo do Tổ chức Oxfam, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Sở NNN&PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức vào sáng 31/7. Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thuỷ sản Việt Nam và Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử. |
Sau 5 năm triển khai, Dự án GRAISEA hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và vận hành của các hợp tác xã (HTX) trong 2 chuỗi giá trị lúa, tôm tại 5 tỉnh khu vực ĐBSCL: An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau; đồng thời, hỗ trợ các tập đoàn đầu ngành, doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện mô hình kinh doanh, chính sách đầu tư theo hướng bao trùm, có trách nhiệm.
Theo đó, đã hỗ trợ gần 4.500 nông dân (hơn 55% là nữ) và 58 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, nâng cao thu nhập; hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh; 15 doanh nghiệp đầu ngành cải thiện chính sách, mô hình kinh doanh có trách nhiệm; từ đó, giúp hơn 10.000 công nhân hưởng lợi từ chính sách tiền lương và phúc lợi xã hội. 9 sáng kiến đa bên thúc đẩy chuỗi giá trị tôm, lúa bền vững và toàn diện được hỗ trợ thành lập và vận hành, trong đó có Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ: “Sau 5 năm triển khai dự án, tỉnh Cà Mau rất phấn khởi về kết quả mà dự án mang lại; cụ thể là tại tỉnh Cà Mau có hơn 600 héc-ta canh tác tôm – lúa vừa được cấp giấy chứng nhận quốc tế ASC Group. Đây là chứng nhận quốc tế ASC đầu tiên trong cả nước. Cà Mau vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng vì đây sẽ là tiền đề không chỉ để Cà Mau mà cả các tỉnh trong khu vực ĐBSCL tiếp cận và mở rộng ra các thị trường. Qua đó, góp phần khẳng định vị trí của con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cà Mau mong muốn sự hợp tác lâu dài và bền vững từ dự án trong thời gian tới”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá cao tầm quan trọng, hiệu quả của Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á”(GRAISEA 2)
|
“Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam ra đời với tiêu chí rất rõ ràng: quy tụ các nguồn lực để hỗ trợ, phát triển ngành tôm. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, Liên minh có vai trò định hướng để ngành tôm phát triển nhanh, mạnh nhưng phải đạt được yếu tố bền vững. Chúng tôi đặt yếu tố bền vững lên hàng đầu, chú trọng đảm bảo các yếu tố xã hội, môi trường và bình đẳng giới”, Phó giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ các diễn biến bất lợi về kinh tế, xã hội và tác động của biến đổi khí hậu. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở rộng cơ hội xuất khẩu cho nông sản, đồng thời đặt ra các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và tập quán canh tác không gây hại tới con người và môi trường.
“Mấu chốt trong việc cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người sản xuất quy mô nhỏ trong chuỗi giá trị nông nghiệp là cải thiện mối liên kết toàn diện giữa các bên, từ đó lợi ích, chi phí và rủi ro được chia sẻ một cách hài hoà và công bằng. Để làm được điều này, chúng ta cần hiểu rõ động lực, lợi ích và thách thức của người sản xuất, của doanh nghiệp và các bên có liên quan khác; từ đó, xây dựng phương pháp tiếp cận hiệu quả”, ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam chia sẻ.
Sau 5 năm triển khai, Dự án GRAISEA đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp đầu ngành cải thiện chính sách, mô hình kinh doanh có trách nhiệm, trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú. (Trong ảnh: Chuỗi sản xuất tôm rừng của Công ty Minh Phú).
|
Tiêu chuẩn sản xuất bền vững được coi là bản lề cho việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tăng giá trị sản phẩm. Dự án đã thúc đẩy các tiêu chuẩn sản xuất bền vững như GAP/VietGAP, chứng chỉ hữu cơ, SRP cho lúa, ASC cho tôm… góp phần nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng giá trị sản phẩm. Năm 2022, xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) trở thành vùng nuôi tôm trên đất lúa đạt chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đầu tiên trên thế giới.
Quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa người sản xuất quy mô nhỏ và doanh nghiệp có thể nhìn thấy một cách cụ thể khi người nông dân chuẩn hoá quy trình canh tác, đảm bảo chất lượng và sản lượng cung ứng; và doanh nghiệp thu mua ổn định với giá ưu đãi, đồng thời có chính sách hỗ trợ kỹ thuật và vật tư cho nông dân.
Nhiều sáng kiến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, số hoá các nền tảng tổ chức sản xuất, quản lý và thương mại hiệu quả đã được triển khai nhằm tăng cường trao đổi, liên kết giữa các bên trong chuỗi tôm và lúa. Có thể kể tới mô hình sản xuất tôm lúa thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng Rice Hero trên điện thoại để đo mức phát thải trong sản xuất lúa; Quỹ phòng ngừa rủi ro thiên tai; ứng dụng số Diễn đàn Tôm Việt; kênh thương mại điện tử cho nông dân…/.
Phú Hữu