“Tôi làm nghề sáng tạo nội dung và là một lao động tự do. Khi tôi viết lách, tôi trở nên lười biếng, nên tôi muốn có ai đó ở cạnh quan sát tôi. Tôi rất thích có ai đó ngồi trước mặt khi tôi làm việc. Thi thoảng, tôi có thể sẽ nói điều gì đó, nhưng về cơ bản, tôi chỉ cần anh ngồi đó và để thời gian trôi qua”, đây là một lời đề nghị mà anh Shoji Morimoto (39 tuổi) nhận được.
Bản thân Shoji Morimoto cũng là một người làm nghề sáng tạo nội dung và là một lao động tự do. Nhiều người có mong muốn “thầm kín” là họ được trả lương mà không cần làm gì cả, hoặc chỉ phải làm rất ít việc. Đây cũng là mong muốn của Morimoto.
Trước đây, Morimoto thường cảm thấy chán sự đơn điệu và lặp lại trong công việc của mình. Những khi có việc làm ổn định, anh thường nhanh chóng bỏ việc. Morimoto thường bị các sếp và đồng nghiệp chỉ trích là “không làm gì cả”, vì vậy, anh quyết định mình sẽ biến việc “không làm gì cả” trở thành công việc chính thức của mình.
Anh bắt đầu đăng tải ý tưởng của mình lên mạng, quyết định cho thuê bản thân mình như một dịch vụ. Điều kiện duy nhất là bên thuê lao động không được phép yêu cầu anh… làm gì cả.
“Có thể bạn muốn tới một nhà hàng nào đó dùng bữa, nhưng cảm thấy hơi ngại nếu phải đi một mình. Có thể bạn muốn chơi một trò gì đó, nhưng lại chỉ có một mình và cần có đối tác… Nói chung, tôi không làm được gì nhiều cả, ngoại trừ những yêu cầu rất đơn giản. Trong quá trình đồng hành, đôi khi tôi đáp lại người thuê mình bằng vài câu đơn giản”, Morimoto nói về công việc anh đang làm.
Trên mạng xã hội, sức hút của Morimoto gia tăng khá nhanh, hiện tại, anh đã có hơn 400.000 lượt người theo dõi và đã được hơn 4.000 người thuê dịch vụ. Câu chuyện về Morimoto cũng liên tục được đề cập trên các tờ tin tức quốc tế.
Thoạt tiên, Morimoto chỉ tính chi phí đi lại và ăn uống trong quãng thời gian ở bên một vị khách. Nhưng hiện tại, để tránh việc lãng phí quá nhiều thời gian của bản thân và giảm số lượng những lời đề nghị dành cho mình, anh tính phí cả quãng thời gian ở bên người khác. Mỗi một lượt sử dụng dịch vụ của Morimoto, khách hàng phải trả cho anh số tiền 10.000 yên Nhật (gần 1,7 triệu đồng).
Những yêu cầu mà Morimoto nhận được rất đa dạng. Anh có thể cùng khách hàng ngồi ăn uống, ngồi nghe họ nói, anh từng cùng một phụ nữ đi… nộp đơn ly hôn. Mỗi trải nghiệm với từng vị khách đều khiến Morimoto cảm thấy thú vị.
Có những trải nghiệm cũng khiến Morimoto cảm thấy ám ảnh. Chẳng hạn có lần, anh cùng đi với một vị khách đến thăm một bệnh nhân vừa… tự sát hụt, hay có lần anh phải ngồi nghe những bí mật kinh khủng của một vị khách khác.
Qua những trải nghiệm của mình, Morimoto có cái nhìn khác về con người: “Tôi bắt đầu nhìn con người theo cách khác đi. Tôi nhận ra rằng ngay cả những con người bình thường nhất, những con người tưởng như mực thước, đứng đắn nhất, rất có thể, họ cũng có những bí mật, những câu chuyện không ngờ”.
Có những người thuê Morimoto chỉ đơn giản là bởi họ muốn có người khác ngồi cạnh trong khi họ làm việc. Có những người thuê anh tới nhà của họ, chỉ để bản thân họ có động dọn dẹp nhà cửa gọn gàng vì có khách tới chơi nhà. Có những người sử dụng dịch vụ của anh chỉ đơn giản bởi họ cảm thấy buồn chán, cô đơn và muốn có ai đó lắng nghe họ nói.
Dù dịch vụ của Morimoto đã giúp ích cho rất nhiều người, bởi anh đã đồng hành bên họ, giúp họ có được sự vững vàng trong tâm lý để thực hiện những việc mà họ muốn làm, nhưng Morimoto khẳng định anh không phải một người tốt bụng và vô tư.
“Tôi thực sự muốn tránh việc mọi người cho rằng tôi là người rất tốt bụng, rất nhân ái. Tôi không có gì tốt đẹp hơn người khác và tôi cũng không muốn người khác kỳ vọng điều đó ở tôi. Cũng có những người cho rằng tôi chỉ là một kẻ vô công rồi nghề, một kẻ ăn mày, công việc mà tôi làm không thực sự là công việc.
Nhưng bằng cách này, tôi đã có những mối liên hệ với những con người khác nhau. Điều đó giúp tôi tìm thấy sự mới mẻ trong việc mình làm, nên tôi vẫn cảm thấy khá tích cực, ngay cả khi tôi phải nhận những bình luận tiêu cực”, Morimoto nói.
Nói về cuốn sách mà anh vừa cho ra mắt – một cuốn sách có tên Rental Person Who Does Nothing (tạm dịch: Người cho thuê nhưng không làm gì cả), Morimoto cho biết anh không thực sự viết nên cuốn sách này.
Thay vào đó, một người viết ẩn danh và một biên tập viên cùng đặt ra những câu hỏi cho anh, anh đưa ra cho họ những câu trả lời rất đơn giản, để họ phát triển nội dung cho cuốn sách.
Khi tiếp xúc với Morimoto, người ta nhận thấy ở người đàn ông này sự xa cách nhưng vẫn thú vị, anh chân thành trong các chia sẻ và luôn bình thản nhận xét về bản thân với chút giễu nhại và sự tự trào.
Điều thú vị và hài hước đằng sau câu chuyện của Morimoto, đó là một người đàn ông vốn luôn bị sếp và đồng nghiệp nhận xét là “không làm gì cả”, cuối cùng lại tìm được một công việc độc đáo và khiến anh cảm thấy hài lòng, trong khi anh vẫn có thể tiếp tục… “không làm gì cả”.
Morimoto ước tính anh đã kiếm được số tiền tương đương hơn 6,5 tỷ đồng kể từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ “đồng hành nhưng không làm gì cả”.