Sáng 2/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 22-NQ/TW). Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.
Dự phiên họp tại điểm cầu Cao Bằng có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh.
Phát biểu định hướng phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ thành tựu sau 10 năm (2013 – 2023) thực hiện Nghị quyết số 22 được các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương tích cực tham gia thực hiện với tinh thần chủ động hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 22 đã hiện thực hóa được mục tiêu của Bộ Chính trị về tiến hành công cuộc đổi mới dựa trên 3 trụ cột: xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập. Qua đó, thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng quốc tế trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng – an ninh, đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội trong thực hiện công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước…
Đặc biệt, Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng – an ninh, thực hiện nhiệm vụ quốc tế… Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, mở rộng thị trường thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những thành tựu hội nhập quốc tế qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 được lãnh đạo các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Công thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… báo cáo tham luận về những thành tựu nổi bật về kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, phát huy nội lực về nhiệm vụ ngoại giao đa phương, thúc đẩy hợp tác hữu nghị phát triển trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới; trách nhiệm của Việt Nam tham gia các nhiệm vụ quốc tế của Tổ chức Liên Hợp quốc; thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế… Xây dựng được cơ đồ, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, độc lập, tự chủ về kinh tế, quốc phòng – an ninh trong xu thế hội nhập toàn cầu, góp phần khẳng định rõ đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Xây dựng văn bản tổng kết, đánh giá Nghị quyết số 22 có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, các cấp bộ, ngành Trung ương, địa phương thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng – an ninh đến văn hóa – xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo…
Cần nghiên cữu kỹ các hoạt động hội nhập quốc tế trong thực tiễn ở các lĩnh vực kinh tế, chính trị – xã hội; thành tựu đạt được và đánh giá đúng thực chất. Đồng thời, thấy được những hạn chế, nguy cơ tiềm ẩn bất lợi để rút ra bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình mới hội nhập quốc tế cho Bộ Chính trị trong thời gian tới, từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước ta chủ động tham gia hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng, vừa đảm bảo hợp tác, vừa đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, quốc phòng – an ninh của đất nước trong tình hình mới.
Trường Hà