“Mưa bất thường” là nguyên nhân được nhà chức trách Lâm Đồng lý giải
cho vụ sạt lở trên
đèo Bảo Lộc, vùi lấp Trạm cảnh sát giao thông Madagui (thuộc CSGT Công an Lâm
Đồng, huyện Đạ Huoai) khiến 4 người chết.
Dữ liệu từ cơ quan khí tượng cho thấy, mưa cuối tháng 7 tại khu vực Bảo Lộc dù không phải kỷ lục, nhưng cao hơn trung bình nhiều năm.
Điểm sạt lở tại thị trấn Đạ M’Ri, huyện Đạ Huoai – cách trung tâm TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) hơn 20 km. Khu vực này vốn là một trong những “trung tâm mưa nhiều” của cả nước, theo Báo cáo đánh giá Khí hậu Quốc gia 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổng lượng mưa mỗi năm của Bảo Lộc là 2.949 mm, vượt xa giá trị trung bình toàn vùng là 1.921 mm. Vùng cao nguyên này cũng thường xuyên xuất hiện mưa lớn, kéo dài nhiều ngày.
Dữ liệu mưa tháng tại Bảo Lộc trong 30 năm
Trước thời điểm xảy ra vụ sạt lở, chỉ trong 24 giờ từ tối 29 đến
30/7, đèo Bảo Lộc đã hứng trận mưa 201 mm, bằng một nửa lượng
mưa trung bình toàn tháng 7 tại trạm Bảo Lộc (441,2 mm).
“Cường độ mưa như vậy là rất lớn”, thạc sĩ Nguyễn Văn Huấn, Trưởng
phòng Dự báo – Đài Khí tượng thuỷ văn (KTTV) khu vực Tây Nguyên,
nói. Thông thường, lượng mưa phổ biến của Việt Nam là khoảng 5 mm mỗi ngày, trên 50 mm được coi là mưa lớn.
Ông cho biết, mưa tập trung nhiều nhất vào 10 đến 13h, trước thời
điểm xảy ra vụ sạt lở khiến 4 người chết (14h45). Cụ thể, từ 10 đến
11h là 26 mm, còn 12-13h là 59 mm. Trong 3 ngày, từ 27/7 đến 30/7,
đất tại đèo Bảo Lộc “ngậm” 299 mm mưa, cao nhất cả nước khi đó.
“Mưa cả ngày nhưng lượng lớn tập trung vào một giờ thì nguy cơ sạt
lở hoàn toàn có thể xảy ra ở khu vực có kết cấu đất không bền vững”,
ông Huấn lý giải.
Khu vực mưa cao điểm cuối tháng 7/2023 trên cả nước
Lượng mưa hôm 30/7 tại Bảo Lộc tuy lớn, nhưng chưa phá kỷ lục. Dữ
liệu giai đoạn 1961-2018 cho thấy, ngày mưa lớn nhất trung bình tại
Tây Nguyên là 245 mm, kỷ lục là 443 mm một ngày.
Tính cả tháng 7, lượng mưa của Bảo Lộc cũng không quá bất thường, ở mức 565 mm – dù cao hơn trung bình nhiều năm nhưng chưa
phải cao nhất. Tuy nhiên, nếu tính cả tháng 6 và 7, lượng mưa tại khu vực này lên tới 1.179 mm, cao nhất trong 30 năm qua.
Mưa lớn gây ra loạt thiên tai như sạt lở đất, lũ quét… dẫn tới
nhiều thiệt hại cả về người và của. Từ năm 2005 đến nay, thiên tai
đã cướp đi 90 sinh mạng tại Lâm Đồng, và gây tổn thất hơn 1.900 tỷ
đồng. Thương vong có xu hướng giảm từ năm 2009 song, tăng trở
lại vào năm nay.
UBND Lâm Đồng cho biết chỉ trong 7 tháng đã có 9 người thiệt mạng vì
các loại hình thiên tai – cao nhất trong 14 năm. Trong đó, 6 bị chôn
vùi trong sạt lở.
Thiệt hại về người và của do thiên tai tại Lâm Đồng từ 2005 đến nay
Thống kê từ 2010 đến nay cho thấy, mỗi năm tỉnh này có 2 đến 5 vụ
sạt lở. Trong khi đó, chỉ 7 tháng qua đã ghi nhận 4 vụ lở, khiến 6
người chết, cho thấy mức độ tăng cấp của loại hình thiên tai này.
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường)
cho biết Lâm Đồng có 9,79% diện tích nguy cơ trượt lở đất đá rất
cao, nhiều nhất tại huyện Lạc Dương (31% diện tích). Khu vực nguy cơ
cao chiếm 28% diện tích, chủ yếu ở các huyện Đam Rông, Di Linh và TP
Đà Lạt.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, vào mùa mưa, sạt lở đất xảy ra phổ biến
trên các tuyến đường đèo, đoạn qua vùng đồi núi có độ dốc lớn như
quốc lộ 20, 27, 28, đường 723…; tại đô thị như thị trấn Dran (huyện
Đơn Dương), thị trấn Di Linh và các xã Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Gia Hiệp
(huyện Di Linh).
Bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở tỉnh Lâm Đồng
Lượng mưa trung bình tại 4 vùng ở Lâm Đồng từ 1991 đến 2022
Tình hình được cho sẽ còn căng thẳng hơn vào những tháng tới, bởi Lâm Đồng mới chỉ vừa bước vào cao điểm mùa mưa. Dữ liệu những năm trước cho
thấy tháng 8 và 9 mới là thời điểm mưa lập đỉnh, kéo theo nguy cơ
sạt lở chực chờ ở vùng cao nguyên này.
Theo Trưởng phòng Dự báo – Đài KTTV khu vực Tây Nguyên Nguyễn Văn
Huấn, trong tháng 8, Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ
có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ mưa lớn khả năng
cao tiếp tục xảy ra.
TS Nguyễn Tiến Cường, chuyên gia về sạt lở tại Đại học Phenikaa,
phân tích mưa lớn kéo dài sẽ gây tích trữ nước trong đất, làm nhão
đất, giảm sự liên kết, dẫn đến sạt lở.
“Mưa là nguyên nhân trực tiếp, nhưng hành động của con người làm nó
trầm trọng hơn”, ông nói.
Ngoài mưa, địa chất yếu cũng khiến sạt lở dễ xảy ra hơn. Nguyên
nhân phổ biến làm thay đổi liên kết trong đất là chuyển đổi rừng
thành cây lâm nghiệp, nương rẫy. Ông dẫn chứng năm 1945, độ che phủ
rừng của Việt Nam là 43%, sau đó do ảnh hưởng chiến tranh và chặt
phá rừng nên có giai đoạn diện tích chỉ còn 28%. Đến nay, độ che phủ
rừng toàn quốc đã tăng lên 41%, nhưng phần lớn là rừng trồng mới,
thưa thớt, hiệu quả giữ đất không cao như trước. Cùng với đó, tình
hình sạt lở cũng tăng lên.
Ngoài ra, các công trình xây dựng chưa nghiên cứu kỹ sự ổn định của
địa chất làm gia tăng thiệt hại về người và của. Ông ví dụ, vị trí
xây thuỷ điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) từng được cảnh báo có
nguy cơ trượt lở cao, nhưng không được đánh giá đầy đủ trước xây
dựng, dẫn đến vụ sạt lở thương tâm năm 2020.
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn
Quốc gia, nhận định những năm gần đây, mưa lớn, giông, lốc, mưa đá
ngày càng bất thường hơn về thời gian, địa điểm, tần suất và cường
độ. Ngay từ tháng 6 – khi bước vào thời kỳ El Nino, cơ quan này đã
lưu ý về việc cần chuẩn bị cho các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ
diễn ra thường xuyên hơn.
“Thời tiết có thể trở nên khó lường hơn, khả năng gây ra nhiều đợt mưa
lớn kỷ lục trong 24 giờ”, ông Lâm nói, cảnh báo về nguy cơ lũ quét,
sạt lở đất nghiêm trọng sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Nội dung: Thu Hằng – Việt Đức – Gia Chính
Đồ họa:
Hoàng Khánh – Thanh Hạ
Về dữ liệu: Lâm Đồng có 4 trạm khí tượng, gồm: Đà Lạt, Liên Khương, Bảo Lộc, Cát Tiên. Dữ liệu lượng mưa trong bài được lấy từ trạm khí tượng Bảo Lộc – trạm có vị trí gần nhất với điểm sạt lở tại thị trấn Đạ M’Ri, huyện Đạ Huoai, thuộc khu vực Tây Nam của Lâm Đồng.