VietArt đòi bồi thường danh dự 1.000 đồng
Ngày 1/8, Toà án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án hành chính số 225/2022/TLHS-HC giữa nguyên đơn là Công ty CP Truyền thông Vietart (Vietart) và bị đơn là Sở Văn hoá và Thể thao (VH&TT) Hà Nội.
Sau một lần xin hoãn, tại phiên xử sơ thẩm này, Sở VH&TT Hà Nội tiếp tục có đơn đề nghị xử vắng mặt.
Phía VietArt tham gia phần tranh tụng và trả lời câu hỏi tại phiên tòa.
Tại toà, phía đại diện Vietart cho biết, trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chương trình “Ngôi sao Phương Nam, số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh”, Sở VH&TT Hà Nội đã kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, cụ thể là quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều này gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Cũng theo đơn vị này, sau đó phía Sở yêu cầu VietArt thay đổi ngày tổng duyệt từ ngày 15/10/2022 sang ngày 12/10/2022 (tức là sớm hơn 3 ngày so với thời điểm diễn ra chương trình).
Thời điểm tổng duyệt này theo VietArt là gây khó khăn bởi, sáng cùng ngày 12/10 cũng tại nơi tổ chức biểu diễn có buổi tổng duyệt đêm nhạc “Miền ký ức” của nhạc sĩ Phú Quang nên VietArt không đủ thời gian để dựng sân khấu trong vòng có một buổi trưa.
Bên cạnh đó, việc đẩy thời gian tổng duyệt lên sớm vài ngày đồng nghĩa với nhiều chi phí bị đội lên rất nhiều, từ tiền vé máy bay đi lại, chỗ ăn ở của đoàn nghệ sĩ, chi phí hậu đài, máy móc thiết bị phải thuê sớm hơn…
Sau nhiều cuộc trao đổi và kiến nghị trực tiếp với lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội, phía VietArt được chấp thuận đề xuất tổng duyệt vào chiều 15/10/2022 tức là trước thời điểm chương trình diễn ra vào buổi tối.
Thêm một nguyên nhân khác khiến VietArt quyết định khởi kiện Sở VH&TT Hà Nội là bởi việc cơ quan này ban hành văn bản cấp phép khi chỉ còn 9 ngày nữa là chương trình diễn ra nên đơn vị này không kịp thời hạn gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn tới cơ quan có thẩm quyền do theo quy định Điều 29 của Luật Quảng cáo 2012 thì hồ sơ phải được gửi trước ngày thực hiện quảng cáo 15 ngày.
Trong khi đó, đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn ngoài đường là phương tiện quảng cáo mang tính hiệu quả nhất.
Theo VietArt vì thế mà vé của chương trình “Tiếng trống Mê Linh” tối 15 và 16/10/2022 chỉ bán được khoảng 200 vé, trong khi số vé phát hành tổng cả 2 đêm là 1.100 vé.
Do đó, VietArt khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Tại phiên toà ngày 1/8, đại diện VietArt thay đổi yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo đó, VietArt yêu cầu Sở VH&TT Hà Nội bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính không hợp pháp gây ra hơn 672 triệu đồng.
Đồng thời, doanh nghiệp này yêu cầu Sở bồi thường thiệt hại về danh dự trị giá… 1.000 đồng.
Lập luận của Sở VH&TT Hà Nội
Do không đến toà, Sở VH&TT Hà Nội đã gửi ý kiến đến toà cho biết, ban đầu, hồ sơ của VietArt nộp ngày 5/8/2022 là hợp lệ.
Nghệ sĩ Ngọc Huyền, Kim Tử Long và Hữu Châu (từ trái sang) trong vở “Tiếng trống Mê Linh”.
Đến ngày 17/6/2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã gửi công văn đến sở đề nghị thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả đối với chương trình “Đêm nhạc Dáng em”, trong đó nêu rõ yêu cầu VietArt thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc để biểu diễn trong chương trình “Đêm nhạc: Dáng em” theo đúng quy định của pháp luật”.
Do nhận thấy có thể chương trình “Ngôi sao Phương Nam số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh”, VietArt cũng chưa xin phép và chưa được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả nên Sở VH&TT Hà Nội đã đề nghị VietArt thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”.
Việc yêu cầu này, theo Sở VH&TT Hà Nội là cần thiết và phù hợp với thực tế quy định của pháp luật.
Liên quan đến thời gian duyệt chương trình biểu diễn, ý kiến bằng văn bản của Sở VH&TT Hà Nội cho biết: Hiện nay không có quy định thời gian duyệt trước ngày biểu diễn bao nhiêu ngày.
Về yêu cầu bồi thường thiệt của Vietart, Sở VH&TT không chấp thuận.
Trình bày quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho biết về trình tự thủ tục ban hành các văn bản của Sở VH&TT Hà Nội là đúng quy định trình tự thủ tục thẩm quyền.
Về thời gian tổng duyệt vở diễn, Viện kiểm sát cho rằng thời gian này đảm bảo quyền lợi cho công ty Vietart và thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không gây phiền hà đối với doanh nghiệp, việc Vietart cho rằng có sự thay đổi thời gian, địa điểm tổ chức tổng duyệt gây khó khăn là không có cơ sở.
Do đó, VKS đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty Vietart.
Phía Hội đồng xét xử vụ án cho biết sẽ nghị án và tuyên án vụ kiện vào chiều mai (2/8).