Cả nước có gần 100 trường đào tạo trình độ tiến sĩ, khá nhiều nhưng không hiệu quả, theo thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn.
Tại tòa đàm góp ý dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, ở TP HCM chiều 31/7, nhiều ý kiến băn khoăn về tiêu chí tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên số giảng viên toàn thời gian của một cơ sở đào tạo. Tỷ lệ này có sự khác nhau giữa trường có và không đào tạo tiến sĩ.
Cụ thể, đến năm 2025, các trường đại học phải có ít nhất 25% số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ. Với các trường được đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ này phải là 50%.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang, và PGS.TS Ngô Quốc Đạt, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng tỷ lệ này không hợp lý.
Bà Diệu và ông Đạt đề xuất tính tỷ lệ tiến sĩ theo ngành thay vì tính chung cả trường. Ngoài ra, ông Đạt đề nghị với đặc thù của ngành y tế, giảng viên là bác sĩ chuyên khoa II cần được xem xét quy đổi tương đương là tiến sĩ khi tính tỷ lệ giảng viên.
Trả lời, thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói một trong những mục đích của việc xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học là phục vụ công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới đại học. Trong đó, các trường đại học cần được phân thành cơ sở có hoặc không đào tạo tiến sĩ, tương tự cách mà bang California (Mỹ) đang thực hiện.
Theo ông, cả nước hiện nay có quá nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ, không tập trung nguồn lực nên chất lượng không đồng đều. Số lượng nghiên cứu sinh của Việt Nam rất thấp so với thế giới nhưng lại phân tán ở nhiều cơ sở giáo dục đại học. Ông lấy ví dụ có những trường đào tạo đa lĩnh vực, đến 50 ngành trình độ đại học nhưng chỉ 2-3 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, vừa không hiệu quả lại khó đảm bảo chất lượng.
“Chính vì nguồn lực chưa đủ, đặc biệt không gắn với nghiên cứu nên chất lượng thấp, số lượng ít, không đáp ứng được yêu cầu”, ông Sơn nói, cho biết có khoảng 30-40% cơ sở đào tạo tiến sĩ, số lượng như vậy là khá nhiều và không hiệu quả. Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 240 trường đại học.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quy hoạch, nâng chuẩn để các trường xác định rõ sứ mệnh, phân khúc đào tạo, làm rõ bao nhiêu trường được đào tạo tiến sĩ, còn lại chỉ đào tạo cử nhân đến thạc sĩ, như thế mới đảm bảo chất lượng.
“Bộ phải quyết liệt làm. Không thể trường nào cũng có thể đào tạo tiến sĩ”, ông Sơn nói, thêm rằng có thể giảm còn 20 hoặc 30% số trường đại học được đào tạo tiến sĩ.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai năm gần đây, số học viên cao học và nghiên cứu sinh đã “giảm đáng kể”.
Với trình độ tiến sĩ, năm học 2019-2020, tổng chỉ tiêu đào tạo là nghiên cứu sinh hơn 5.100, nhưng cả hệ thống chỉ tuyển được 25% chỉ tiêu. Tỷ lệ này trong năm học 2020-2021 là khoảng 34,3%.
Lệ Nguyễn