Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quê hương Nam Định đã có biết bao người con anh dũng ngã xuống trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Liệt sĩ Đặng Thị Kim, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) là một người con ưu tú, bị địch bắt tra tấn dã man vẫn kiên trung, bất khuất “Dù khi giặc khảo giặc tra. Cắn răng thà chết, không xa Đảng mình”. Quân giặc đã ra lệnh chặt đầu, chị hy sinh ở tuổi 19! Lẽ sống và phẩm chất cách mạng “Sống vì Đảng, chết không rời Đảng” của đồng chí là tấm gương sáng ngời về truyền thống yêu nước, cách mạng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để các thế hệ học tập, noi theo. Ngày 27-4-2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho liệt sĩ Đặng Thị Kim.
Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Đặng Thị Kim. |
Giữ trọn lời thề trước Đảng
Tháng 7, tháng “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” là dịp để mỗi người dân đất Việt tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thắp nén nhang trên phần mộ – nơi an nghỉ của Liệt sĩ, Anh hùng Đặng Thị Kim tại quê nhà Xuân Hồng, chúng tôi xúc động được người thân liệt sĩ kể về sự nghiệp hoạt động cách mạng Anh hùng Đặng Thị Kim.
Chị Đặng Thị Kim (tên thường gọi là Đặng Thị Oanh) sinh ngày 19-12-1929 trong một gia đình viên chức nghèo ở làng Hành Thiện. Chị là cháu của Tổng Bí thư Trường Chinh. Năm 1945, chị vào Nha Trang sống với cậu ruột là ông Nguyễn Tư Tề làm nghề bốc thuốc và là cơ sở bí mật của đồng chí Nguyễn Minh Vỹ (sau này là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa). 16 tuổi, giác ngộ cách mạng và tham gia kháng chiến; 17 tuổi, chị Đặng Thị Kim vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương do có thành tích xuất sắc “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”, mưu trí, gan dạ hoàn thành mọi nhiệm vụ do tổ chức phân công.
Sau thời gian phụ trách tuyên truyền Giải phóng quân hoạt động bí mật tại thành phố Nha Trang và các vùng lân cận, tháng 7-1946, chị được cử vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc Nha Trang. Với tinh thần nhiệt huyết cách mạng và sự hoạt bát nhanh nhẹn, gần gũi với quần chúng, chị đã xây dựng lại các cơ sở cách mạng ở phường 3 (còn có tên gọi là Rọc rau muồng) là một trong những cơ sở mạnh của tỉnh Khánh Hòa. Chị cùng một số đồng chí tổ chức lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 30-10-1946, đòi Chính phủ Pháp phải thi hành Tạm ước 14-9-1946. Cuộc biểu tình đã gây tiếng vang lớn ở địa phương, thúc đẩy phong trào cách mạng lên cao, nhân dân tin tưởng ở Chính phủ kháng chiến, kẻ thù hoang mang khiếp sợ. Tháng 11-1946, chị được Tỉnh uỷ Khánh Hoà điều vào xây dựng lại cơ sở quần chúng ở Hoà Tân, Suối Dầu nay thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hoà). Chỉ trong một thời gian ngắn, chị gây dựng, chắp nối được cơ sở, rồi bàn giao lại cho đồng chí khác phụ trách, còn mình trở lại Nha Trang hoạt động. Đầu năm 1947, Tỉnh uỷ quyết định bổ sung chị vào Ban lâm thời Thị uỷ Nha Trang.
Đầu năm 1948, địch tăng cường truy lùng, càn quét, khủng bố gắt gao, một số cán bộ bị bắt và bị giết hại; nữ đảng viên trẻ Đặng Thị Kim tiếp tục bám sát địa bàn, mưu trí, gan dạ “nở hoa giữa lòng địch”. Để bảo vệ an toàn cơ sở và cán bộ, Tỉnh uỷ Khánh Hoà quyết định đưa chị về huyện Vĩnh Xương hoạt động cùng với một số cán bộ địa phương gây dựng cơ sở xã Xuân Hải, nhằm tạo địa bàn hoạt động vào Nha Trang thuận lợi. Tại đây, chị được cử vào Ủy ban Kháng chiến – Hành chính và là Chi ủy viên chi bộ xã Xuân Hải. Trong thời gian ngắn, chị đã xây dựng được các tổ chức Phụ nữ, Nông hội và một Tiểu đội nữ du kích tham gia canh gác, bảo vệ và dẫn đường cho cán bộ Đội Biệt động hoạt động, tiếp tế lương thực, thuốc men lên chiến khu.
Giữa năm 1948, các cơ sở cách mạng ở Nha Trang được khôi phục trở lại, Tỉnh uỷ Khánh Hòa quyết định đưa chị về hoạt động ở nội thị Nha Trang. Thời gian này, chị kết hôn với đồng chí Trương An, lúc đó là Phó Bí thư lâm thời (sau là Bí thư) Tỉnh ủy Khánh Hòa. Tháng 8-1948, trong một lần đi dự hội nghị, chị cùng 2 đồng chí đi thuyền qua eo biển từ Nha Trang về chiến khu Vĩnh Xương không may bị địch bắt.
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
Ông Đặng Vũ Quang Huyễn, là em ruột của Liệt sĩ Đặng Thị Kim kể: Khi bị bắt, do trong hàng ngũ của ta có kẻ phản bội, nên địch biết chức vụ và tên của chồng chị. Chúng coi chị là tù nhân “đặc biệt” và sử dụng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man như quay điện đến hộc máu, treo người lên cao rồi ngâm xuống nước (lúc này chị có thai khoảng 3 tháng). Sau mỗi đòn tra tấn “chết đi, sống lại’, địch tra khảo: “Chiến khu của tỉnh ở đâu?”, “Chồng tên gì, có phải Trương An không?”, “Địa điểm cơ sở quần chúng trong xã Xuân Hải?”… nhưng chị một mực không khai. Không khuất phục được, địch cho một tên lính lê dương vào xà lim hãm hiếp sau đó bóp cổ, nhét giẻ vào miệng, cho chị vào bao tải bỏ lên xe chở ra rừng dương ven biển phía nam Nha Trang để hành hình. Năm đó, chị mới 19 tuổi.
Phần mộ Liệt sĩ, Anh hùng Đặng Thị Kim tại quê nhà xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Ông Đặng Vũ Quang Huyễn thông tin thêm: Sau này, người lính dẫn giải chị Đặng Thị Kim đi hành quyết đã bí mật liên lạc với phía cách mạng và kể lại: “Trước khi bị sát hại, dù địch tra tấn dã man, chị đã trút những lời lẽ căm thù giặc; một tên gí súng vào tai chị và hỏi cần nói gì trước khi chết. Chị điềm tĩnh: “Chúng mày coi tao là có tội thì cứ giết tao, nhưng con tao trong bụng vô tội, hãy để tao sinh con rồi hãy giết…”. Giặc định bắn chị ngay tại đó, nhưng sợ tiếng súng có thể làm vang động đến dân chúng địa phương, nơi chị từng hoạt động và có ảnh hưởng rộng lớn nên đã man rợ cắt cổ chị… Có lẽ cái chết oanh liệt của chị đã khiến viên sĩ quan trẻ người Pháp khiếp sợ. Ngay trong đêm đó, anh ta viết đơn xin về nước.
Hơn 60 năm sau ngày chị Kim (chị Oanh) hy sinh, năm 2008, khi thi công hệ thống thoát nước tại con hẻm 74 đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, đơn vị thi công đã phát hiện ra ba bộ hài cốt và di dời về nghĩa trang nhân dân trên đèo Rù Rì – phía bắc thành phố Nha Trang. Đó là các ngôi mộ số 159, 160, 161. Viện Công nghệ Khoa học Việt Nam có kết quả giám định gen và xác định hài cốt ngôi mộ số 160 chính là của Liệt sĩ Đặng Thị Kim. Tháng 12-2009, gia đình đã di cốt của liệt sĩ Đặng Thị Kim về an nghỉ tại quê hương Hành Thiện, xã Xuân Hồng.
Cảm kích trước gương hy sinh oanh liệt của chị, cố Giáo sư – Anh hùng Lao động Đặng Vũ Khiêu đã tặng chị câu đối:
“Vì nước quên thân, năm tháng chưa khô dòng máu biếc
Về quê gửi cốt, gió mưa vẫn vọng tiếng Oanh Vàng”.
Ghi nhận sự hy sinh anh dũng của đảng viên trẻ Đặng Thị Kim, năm 1957 Chính phủ đã cấp Bằng Tổ quốc ghi công và năm 1961 Nhà nước đã truy tặng chị Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Năm 2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 545/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sĩ Đặng Thị Kim. Hiện nay, tại phường Long Phước, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) có con đường mang tên Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Đặng Thị Kim.
|
Bài và ảnh: Việt Thắng
(Theo tài liệu gia đình Liệt sĩ,
Anh hùng Đặng Thị Kim cung cấp)