Cái lu dùng làm hầm bí mật của Ðại tướng Lê Ðức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, sử dụng trong thời gian hoạt động cách mạng tại căn cứ U Minh, tỉnh Cà Mau (từ năm 1970-1972).
Ông Trang Hoàng Lãm (huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Cái lu to, tròn, được đổ bằng xi măng, màu trắng bạc, theo thời gian, lu bị tối màu; còn kiệu có màu nâu đỏ, xung quanh kiệu có hoạ tiết rồng trông sang trọng. Có hàng kiệu trang trí trước nhà, màu sắc của chúng làm cho căn nhà thêm nổi bật”.
Trước đây, người dân thường mua lu, kiệu từ Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), tỉnh Ðồng Nai, tỉnh Long An… vận chuyển bằng ghe xuôi về miền Tây. Mỗi chuyến ghe chở hàng trăm lu, kiệu được xếp ngay ngắn, ghe đi qua làm nổi bật cả một khúc sông. Những chiếc lu, kiệu có tuổi thọ rất bền, dùng trong nhiều mùa mưa nắng. Lu, kiệu có nhiều kích cỡ, tuỳ theo nhu cầu sử dụng, dùng trữ nước hay làm mắm… Nghề bán lu, kiệu cũng là nghề có tiếng.
Mô hình phục dựng hầm trú ẩn bằng lu tại di tích “Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Ông ngoại tôi bảo: “Hồi đó cha mẹ bây ra riêng, ngoại cho vài cặp kiệu và 1 cái lu, chủ yếu là để đựng nước mưa uống. Lúc trời nóng bức hay khi đi làm ngoài đồng về, mở nắp lu, lấy gáo dừa múc nước mưa uống một hơi rất đã khát”.
Xuôi về Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, ký ức về những cái lu dùng làm hầm trú ẩn mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng sử dụng trong kháng chiến cũng được người dân khơi gợi, nhắc nhớ.
Ông Kim Tây (dân tộc Khmer), Ấp 6, xã Khánh Hoà, chia sẻ: “Lu của bác Sáu Dân được phát hiện cách khu di tích hơn cây số, nằm ở bờ chuối, xung quanh là rừng rậm. Khi bác Sáu đi khỏi nơi đây lâu lắm, người dân mới phát hiện ra. Chiếc lu khá bự, có thể chứa 3, 4 người trú ẩn”.
Sống gần Khu di tích Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt, ông Lý Ðức Khánh, Ấp 6, xã Khánh Hoà, nhớ lại một phần lịch sử: “Sau giải phóng, những người từng trú ẩn trong hầm làm bằng lu mới chỉ người dân biết để đào lên, giữ lại vết tích chiến tranh”.
Hàng lu được bà con xã Khánh Thuận, huyện U Minh dùng trữ nước mưa.
Thường lu được bộ đội và người dân đổ bằng xi măng, làm trong âm thầm, bí mật. Ông Hai Khánh cũng từng sử dụng nhiều lu, kiệu, nhà ông hiện vẫn còn vài cái lu đã lâu năm, sử dụng trữ nước mưa bên hiên nhà; trước đây, gia đình ông từng sử dụng hơn 15 cái lu, kiệu để muối cá bổi, dự trữ cá khô… Ðặc biệt, trong chiến tranh, nhà nào cũng lấy lu làm hầm để trốn mỗi khi địch oanh tạc.
Ông Ðặng Phụng Tâm, xã Quách Phẩm, huyện Ðầm Dơi, hội viên cựu chiến binh ở địa phương, sau những năm kháng chiến, sau mỗi mùa lúa ông đều mua vài cái lu, kiệu về để trữ nước; năm nào lúa thất, ghe kiệu từ Lái Thiêu về, ông lấy dừa khô để đổi.
Bà con Ấp 6, xã Khánh Hoà mô tả cách dùng lu làm hầm trú ẩn trong kháng chiến.
Ông Bảy Tâm tâm tình: “Sau mấy năm kháng chiến, lu bể hết, chỉ còn hơn 10 cái kiệu được tôi gìn giữ gần như nguyên vẹn, đây cũng là kỷ niệm của cuộc đời. Mỗi cái kiệu tôi thiết kế nắp đậy để đảm bảo vệ sinh”. Ða phần những cái kiệu được làm bằng đất nung, bên trong tráng men nên nước không đóng rong và rất sạch.
Kể từ năm 2000 đến nay, những chuyến ghe chở đầy lu, kiệu xuôi ngược miền Tây đã hiếm thấy, không còn nhiều như trước nữa, nhưng mỗi khi về quê, bắt gặp hình ảnh lu, kiệu đều gợi nhớ về ký ức xưa. Lu kiệu không chỉ chứa nước, mà còn chứa cả tình cảm yêu thương về miền quê với những con người bình dị, thật thà./.
Nhật Minh