STO – Nghiện ma túy không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người nghiện mà còn kéo theo vô số những vấn đề phức tạp, gây xáo trộn cuộc sống gia đình, cộng đồng, xã hội. Vì vậy, vai trò của gia đình, người thân trong việc chủ động phát hiện sớm các biểu hiện của người dùng ma túy, kiên quyết phối hợp thực hiện các giải pháp cai nghiện là vô cùng quan trọng, đó mới là tình thương thật sự.
Đồng chí Võ Thanh Quang – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các kế hoạch, công văn chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Điển hình là đầu năm 2023 đã ban hành, triển khai thực hiện các kế hoạch, công văn hướng dẫn thực hiện về công tác phòng, chống ma túy; chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; thực hiện chế độ báo cáo công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy ở địa phương…
Thứ Bảy hàng tuần, gia đình được vào thăm người thân đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có 1 cơ sở cai nghiện ma túy (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), số 80, đường Hồ Nước Ngọt, khóm 2, phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc và tự nguyện; tổ chức tiếp nhận người sử dụng, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Đồng thời, tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá, phân loại, xác định tình trạng nghiện, tổ chức điều trị, cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, tổ chức các hoạt động nâng cao thể lực. Ngoài ra, đơn vị này còn tổ chức các hoạt động trị liệu, tâm lý hành vi, tổ chức các hoạt động tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở cai nghiện ma túy.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng có tổng diện tích 9,1ha; trong đó, diện tích xây dựng khu hành chính và khu quản lý người cai nghiện là 3ha, diện tích đất còn lại dùng để trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, phục vụ bếp ăn người cai nghiện. Khu quản lý người cai nghiện có 35 phòng ở, quy mô công suất tiếp nhận cai nghiện đến 500 người, được bố trí thành từng khu chức năng bao gồm phòng lưu bệnh; dãy phòng cắt cơn; dãy dành cho người cai nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; khu dành cho người cai nghiện đã hoàn thành thời gian cắt cơn, tham gia lao động trị liệu, học nghề, lao động sản xuất; dãy phòng ở dành cho người cai nghiện là nữ; khu vực nấu bếp.
Học viên tham gia lao động tăng gia sản xuất, vừa để cung cấp thực phẩm tươi sống cho bếp ăn học viên, vừa giúp học viên lao động quên đi cảm giác thèm ma túy. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng, tổng số học viên đang cai nghiện ma túy là 301 người, trong đó có 8 học viên nữ. Đối với học viên mới, Cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện đúng quy định về kiểm tra sức khỏe ban đầu, lập bệnh án để cắt cơn và điều trị các bệnh phát sinh theo lộ trình. Bên cạnh đó, Cơ sở cai nghiện ma túy cũng tập trung công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, rèn luyện thể chất; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để học viên mới cùng tham gia với học viên cũ. Đơn vị luôn duy trì các chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho học viên theo quy định, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng bữa ăn. Ngoài ra, đơn vị cũng chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo mùa, làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường xuyên cử cán bộ y tế trực tiếp xuống buồng, đội để thăm khám, theo dõi nắm bắt tình hình dịch bệnh, nhất là đối với các học viên đang trong thời kỳ cắt cơn nghiện ma túy.
Bên cạnh đó, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh cũng thực hiện công tác lao động trị liệu, dạy nghề, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, điển hình như lao động dệt chiếu, đan ghế, tăng gia sản xuất. Tổ chức 17 cuộc với khoảng 1.807 lượt học viên được gặp gia đình, qua đó gia đình cũng động viên để học viên có động lực cai nghiện tốt. Các đoàn thể tăng cường hỗ trợ Cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức nhiều hoạt động cảm hóa, giáo dục, giao lưu văn hóa, văn nghệ lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tác hại ma túy nói riêng, tệ nạn xã hội nói chung để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của học viên.
Đối với cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không có cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (do chưa có các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đăng ký thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện). Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Điều 21 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho đơn vị sự nghiệp công lập. Đến ngày 15/5/2023, trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng có 95 đơn vị sự nghiệp công lập (9 trung tâm y tế cấp huyện và 86 trạm y tế các xã, phường, thị trấn) được UBND các huyện, thị xã, thành phố đặt hàng giao nhiệm vụ thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Đồng chí Võ Thanh Quang cho rằng, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả hơn, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng để địa phương căn cứ thực hiện. Đồng thời, mở các lớp tập huấn kiến thức, nghiệp vụ cho viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, thời gian gần đây người nghiện ma túy thuê các cơ sở kinh doanh như khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở karaoke để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng nhiều, loại được sử dụng phổ biến là ma túy tổng hợp, chiếm 95,39%; sử dụng heroin, cần sa và các nhóm khác chiếm 4,61%. Nghiện ma túy gây xáo trộn cuộc sống gia đình, cộng đồng, xã hội, vì vậy, gia đình, người thân cần kiên quyết phối hợp thực hiện các giải pháp cai nghiện, đó mới là tình thương thật sự.
PHƯỚC LIÊU