Nhưng việc góp mặt ở sân chơi lớn nhất hành tinh chắc chắn đem đến nhiều điều bổ ích.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Đội tuyển nữ Việt Nam thu được những bài học quý báu tại World Cup 2023.
Sau trận thua Bồ Đào Nha 0 – 2, nhiều CĐV Việt Nam truyền tay nhau một bức hình ghi lại việc bốn phân tích viên bên phía đối thủ ngồi trên khán đài với đủ loại thiết bị hiện đại.
Mọi diễn biến dưới sân đều được họ phân tích, truyền đạt lại cho HLV Neto cùng ban huấn luyện. Có lẽ nhờ vậy, đại diện châu Âu chơi thong dong nhưng vẫn có được thứ mình cần là hai bàn thắng cùng 3 điểm trọn vẹn.
Người hâm mộ Việt Nam không thực sự hài vòng với màn trình diễn của các cô gái áo đỏ nhưng một thực tế phải thừa nhận, đối phương có sự chuẩn bị rất kỹ càng, không chỉ về mặt chuyên môn. Đây cũng là bài học lớn cho bóng đá nữ Việt Nam, ra sân chơi lớn, chỉ mang bầu nhiệt huyết là chưa đủ.
Nhìn lại cả hai trận thua vừa qua, đội tuyển nữ Việt Nam rõ ràng còn nhiều điều cần cải thiện. Theo ông Trần Anh Tú, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), có hai nhiệm vụ cần phải làm ngay.
“Một là cần nâng cao nền tảng thể lực, để cầu thủ của chúng ta có thể chơi ở cường độ cao liên tục 90 phút. Hai là cần cải thiện khả năng đào tạo cơ bản. Chúng ta thấy Bồ Đào Nha lần đầu tham dự World Cup như Việt Nam nhưng cầu thủ của họ có kỹ thuật, kỹ năng cực tốt.
Từ việc đỡ bóng, xử lý, qua người đều dứt khoát, hiệu quả. Nhìn chung tuy thua nhưng tuyển nữ Việt Nam thực sự biết mình đang đứng ở đâu so với trình độ thế giới”, ông Tú phân tích.
Theo lịch, ngày hôm nay (1/8), đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có trận đấu với Hà Lan ở lượt cuối vòng bảng. Có lẽ rất khó để Huỳnh Như cùng đồng đội tạo ra bất ngờ bởi đối thủ quá vượt trội.
Dù vậy, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, thày trò HLV Mai Đức Chung vẫn phải chơi hết mình bởi không dễ để có cơ hội được chạm trán những đội bóng hàng đầu thế giới.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn và với World Cup 2023, thực sự tuyển nữ Việt Nam đã học hỏi được quá nhiều thứ. Đặc biệt, World Cup đã cho chúng ta thấy mình đang đứng ở đâu, cần phải nỗ lực thật nhiều nếu muốn trở lại sân chơi này và làm được nhiều hơn. Tôi cho rằng, việc thua không có gì đáng buồn bởi tất cả đều được dự báo trước. Điều quan trọng là giải đấu này có thực sự trở thành cú hích cho bóng đá nữ Việt Nam hay không”, ông Huy đánh giá.
Đưa bóng đá nữ thành môn hấp dẫn
Ông Nguyễn Hoài Nam, người sáng lập Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VietGoal tỏ ra lạc quan về hiệu ứng World Cup mang lại: “Bóng đá nữ Việt Nam chắc chắn sẽ được quan tâm nhiều hơn, bao gồm cả các nhà đầu tư. Các bé gái đam mê bóng đá sẽ có thêm động lực theo đuổi ước mơ, từ đó đầu vào sẽ dồi dào hơn. Bản thân VFF cũng phải có kế hoạch cụ thể để phấn đấu ít nhất duy trì thành tích hiện tại, qua đó tạo động lực cho hệ thống các giải quốc nội”.
Theo ông Trần Anh Tú, bóng đá nữ Việt Nam đương nhiên sẽ có cú hích sau World Cup nhưng cụ thể ra sao vẫn cần thời gian trả lời: “Trước đội tuyển nữ, đội tuyển futsal Việt Nam đã hai lần dự World Cup, thậm chí vượt qua vòng bảng nhưng chỉ được quan tâm nhất thời, sau đó mọi thứ lại chìm xuống. Phong trào futsal những năm gần đây có phát triển nhưng để nói đột phá thì khiên cưỡng. Câu chuyện của bóng đá nữ cũng vậy”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, muốn tăng sức hút cho bóng đá nữ thì truyền thông là việc cần làm đầu tiên. Chỉ có truyền thông mạnh mới có thể đẩy bóng đá nữ Việt Nam lên tầm cao mới, đưa bóng đá nữ thành môn thể thao đại chúng, có khán giả, có câu chuyện.
Làm được điều này, nhà đầu tư mới cảm thấy mình thu lợi khi rót tiền vào bóng đá nữ. Bên cạnh đó, các giải đấu cũng cần chất lượng, thu nhập tốt để thu hút người có khả năng tập và chơi bóng đá.
Về vấn đề trên, ông Trần Anh Tú khẳng định, thời gian qua, VFF luôn quan tâm tới công tác truyền thông cho bóng đá nữ, bao gồm cả đội tuyển quốc gia. Ngay như kỳ World Cup này, số phóng viên Việt Nam tác nghiệp rất hạn chế nhưng hình ảnh về đội vẫn được truyền tải liên tục trên các phương tiện truyền thông trong nước.
“Tôi cho rằng, ở đây không chỉ là câu chuyện truyền thông mà còn phải có sự chung tay, quyết liệt ở mỗi địa phương, cả xã hội. Các CLB bóng đá nữ hiện tại đều do cơ quan chức năng địa phương quản lý. Nếu lãnh đạo địa phương quan tâm mạnh mẽ hơn, tin rằng bóng đá nữ sẽ có chỗ đứng tốt hơn.
Việc phát triển thêm các đội bóng ở một số địa phương tiềm năng cũng cần tính tới bởi số lượng CLB bóng đá nữ hiện nay còn khá hạn chế. Muốn phát triển chiều sâu thì trước hết chúng ta cần phát triển chiều rộng”, ông Tú nói thêm.