Chiều 31-7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7-2023. Hội nghị có chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến-chế tạo chủ lực như: Dệt may, da giày, đồ gỗ… trước đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.
Tuy vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng, nhất là các ngành công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì hội nghị. |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7-2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm. Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, liên minh châu Âu… có mức sụt giảm nhiều nhất. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu dệt, may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1 so với cùng kỳ.
“Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức đặt ra cho ngành Công Thương. Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, các địa phương, hiệp hội nêu ý kiến đề xuất với Bộ Công Thương, với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về các giải pháp liên quan đến xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về thị trường cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ…
Các cơ quan thương vụ đã cung cấp các thông tin cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu, các khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường. Các cơ quan thương vụ cũng tiếp thu các ý kiến của Hiệp hội, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ công tác thị trường thiết thực hơn, sát với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của ngành công thương.
Tin, ảnh: VŨ DUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.