15 bài thơ, nhạc là sáng tác của hai vợ chồng thi nhân đã được trình diễn trong đêm tưởng nhớ. Nhiều tác phẩm đã trở nên quen thuộc, gợi lên cho công chúng những xúc động khi được ngâm, được hát bởi các văn nghệ sĩ.
Từ đong đầy tình mẹ trong ca khúc Khúc hát ru người mẹ trẻ (phổ thơ Lâm Thị Mỹ Dạ): “Sữa mẹ trắng trong/ Con ơi hãy uống/ Rồi mai khôn lớn/ Con ơi hãy nghĩ/ Những điều trắng trong”; đến xúc động nghẹn ngào với tình yêu thương vợ chồng khi “Bàn tay nâng em thành bảo mẫu/ Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/ Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/ Giữa tháng ngày trĩu nặng/ Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em” (Cho anh tựa vào em); rồi những nỗi buồn nhớ khi hai vợ chồng thi nhân đã “về chơi với cỏ”: “Mai kia rồi cũng xa người/ Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa/ Có nàng xoã tóc tiên nga/ Quỳ hôn cát bụi khóc oà như mưa”.
Chia sẻ trong đêm thơ, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, những đóng góp cho văn hoá Huế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là rất quan trọng: “Hoàng Phủ Ngọc Tường xứng đáng với danh xưng: “Người lập ngôn cho văn hoá Huế”. Ông là người đầu tiên nói cho mọi người biết sông Hương là “bản trường ca của rừng già”, là “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”, là “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”, “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức”, “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”, là “dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”….”
Thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ là sự thấu cảm về nỗi đau của nhân loại, sự thăng hoa say đắm của tình yêu, sự dịu dàng của tình thân gia đình. Không gian trong thơ chị là cây trái xanh tươi bốn mùa và con người luôn mong cầu cuộc sống bình yên, thân thiện.
Vượt lên tất cả, chữ tình vẫn là điều lớn lao nhất. Trong đêm thơ tưởng nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ, những văn nghệ sĩ đã nhắc lại những câu chuyện văn chương, những câu chuyện nhân bản, nhắc lại những kỷ niệm sương khói với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm kể câu chuyện về bài thơ “Tiễn bạn cuối mùa đông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là tác phẩm đầu tiên do nhà văn viết tại vùng chiến khu, dưới danh nghĩa văn nghệ giải phóng: “Tiễn bạn ngày cuối đông/ Tôi về trong nắng chói/ Trên vai ngàn đồng đội/ Mang mùa Xuân đi cùng/ Mang ngày về thắng lợi/ Hóa trời xanh mênh mông…”
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ gửi gắm một nỗi nhớ từ Paris của một người bạn, người học trò từng được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường giảng dạy. Nhà thơ Võ Quê chia sẻ: “Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tác động đến cuộc đời văn thơ của tôi. Những người học trò từng được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng ca ngợi người thầy của mình giảng bài tài hoa, tư liệu đầy đủ và rất giàu kiến thức về Huế. Nhà văn cũng là người quan tâm và hiểu biết nhiều đến nghệ thuật ca Huế. Anh luôn dặn tôi phải làm sao giữ được chất Huế trong thơ của mình”.
Đêm nhạc kết thúc với ca khúc “Dù năm dù tháng” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phổ nhạc): “Thời gian sao mà xuẩn ngốc/ Mới thôi đã một đời người…” đã mang đến cảm xúc tiếc thương với sự ra đi của hai tên tuổi xuất chúng thuộc thế hệ vàng của văn hóa, văn nghệ Huế.
Vào sáng 1/8, tro cốt của vợ chồng thi nhân Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ được đưa đi an táng tại nghĩa trang phía Bắc.