Quý I/2023, ngành du lịch đã chứng kiến lượng gia tăng đáng kể của khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển. Điều này cho thấy tiềm năng hấp dẫn của loại hình du lịch cao cấp này.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 3/2023, khách quốc tế đến bằng đường biển tăng hơn 2,8 lần so với tháng trước đó. 3 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã đón 33,7 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển, tăng 936,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm 2023, thị trường khách tàu biển đã khởi sắc với một loạt tàu du lịch chở theo hàng ngàn du khách quốc tế cập cảng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… Đa phần du khách đến từ châu Âu và châu Á.
Đầu tháng 3/2023, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đón tàu du lịch cao cấp SILVER MUSE (quốc tịch Bahamas) cập cảng Nha Trang với hơn 330 khách đến từ Đức, Canada, Australia, Colombia, Thái Lan, Trung Quốc… Tàu có hải trình từ Singapore đến Thành phố Hồ Chí Minh, tới Nha Trang, Đà Nẵng rồi qua nước khác.
Mới đây, ngày 1/4, tàu du lịch cao cấp mang tên MSC POESIA (quốc tịch Italia) cập Cảng Nha Trang với số lượng khách trên tàu là 2.145 đến từ châu Âu. Số lượng khách lên bờ tham quan các chương trình tour là 1.045 khách. Theo lịch trình, tàu đi từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến cảng Đà Nẵng, sau đó tiếp tục cập cảng Nha Trang, và đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Khánh Hòa đã đón 5 chuyến tàu biển với số khách lên bờ tham quan 1.949 khách. Dự kiến trong tháng 4 này sẽ đón thêm 2 tàu du lịch đến tham quan.
Cuối tháng 2, siêu tàu du lịch Spectrum of the Seas đã đưa hơn 3.800 du khách quốc tế (trên hành trình du ngoạn Đông Nam Á) cập cảng Tân Cảng – Cái Mép, thuộc phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đây là tàu du lịch quốc tế thứ 7 và là chuyến tàu chở nhiều du khách nhất, cập cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu từ đầu năm 2023. Đa số hành khách trên tàu đến từ Mỹ, Anh, Australia, Singapore. Ngoài du khách, tàu còn có 1.577 thuyền viên, nhân viên phục vụ đoàn.
Đại diện Saigontourist cho biết, từ ngày 1 đến 8/3, đơn vị liên tục đón 4 tàu biển quốc tế chở theo hơn 4.200 du khách đến Việt Nam du lịch.
Trong năm nay, hãng du thuyền hàng đầu thế giới Royal Caribbean International đã đưa thêm nhiều điểm đến của Việt Nam vào hải trình của tàu Spectrum of the Seas. Du thuyền sẽ đưa du khách ghé thăm Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng theo các hải trình khác nhau. Trong đó Huế và Đà Nẵng là các điểm đến mới được bổ sung vào hải trình Tokyo – Singapore, khởi hành vào tháng 9 và tháng 10/2023.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, du lịch biển đảo là một ưu tiên, trong đó có rất nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực. Việt Nam cũng còn sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, với hơn 4.000 hòn đảo cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích văn hóa lịch sử lâu đời.
Các khu du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam như vịnh Hạ Long – Cát Bà, Sơn Trà – Hội An, Nha Trang – Cam Ranh, Phan Thiết – Mũi Né, Phú Quốc… đều có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển trong khu vực và châu Á để thu hút du khách tàu biển.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng, khai thác triệt để. UNWTO dự báo năm 2023, du lịch tàu biển sẽ có sự phục hồi tốt hơn khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Tại hội thảo “Phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam – Thời cơ, thách thức và giải pháp” hồi tháng 12/2022, các chuyên gia nhận định, mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch tàu biển nói riêng và du lịch biển, đảo nói riêng, vẫn còn một số khó khăn cản trở sự phát triển của loại hình du lịch hút khách cao cấp này.
Các chuyên gia cho rằng, hiện Việt Nam còn thiếu các cảng chuyên dụng cho tàu du lịch, nguồn nhân lực có kinh nghiệm cho dòng khách du lịch chi trả cao còn thiếu và yếu, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng.
Do đó, để phát triển du lịch tàu biển nói riêng và du lịch biển nói chung, các địa phương cần đánh giá những điểm đến mới, có tiềm năng phát triển du lịch, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, điểm tham quan… phục vụ du khách. Nhà nước cần có chiến lược phát triển tổng thể, có quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo, đầu tư hạ tầng, cơ sở du lịch, bảo vệ môi trường biển, có cơ chế, chính sách phù hợp liên quan đến truyền thông.