Với lợi thế giáp biển, sau khi sáp nhập, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) đã không ngừng phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững với 3 mũi nhọn trọng tâm là nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản.
Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy, hải sản toàn xã đạt 193ha, giá trị sản lượng ước đạt 21 tỷ đồng; trong đó, các đối tượng nuôi chủ lực là cá mú 40ha, tôm thẻ chân trắng 35ha, ngao 10ha… Các hộ sản xuất đều tích cực đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng ao nuôi thủy sản, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, xử lý môi trường ao nuôi đảm bảo an toàn sạch bệnh, tăng cường sử dụng các chế phẩm vi sinh áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn theo hướng VietGap, VietGAHP để nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ đã có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến tỷ đồng/năm trở lên. Tiêu biểu như các ông: Vũ Văn Chức ở xóm 3, Vũ Văn Tín ở xóm 9, Đinh Văn Bảng ở xóm 10…
Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng tại gia đình ông Đinh Văn Bảng ở xóm 10, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). |
Để nghề nuôi trồng thủy, hải sản phát triển bền vững, Hội Nông dân xã đã thành lập 3 tổ hợp tác nuôi cá mú, nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi cá chuối. Các tổ, hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “5 tự, 5 cùng”, gồm “Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm”; “Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ; Cùng mối quan tâm; Cùng có sự chia sẻ; Cùng chịu trách nhiệm; Cùng hưởng lợi” giúp đỡ nhau phát triển nghề, chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Đinh Văn Bảng ở xóm 10 cho biết: “Hiện tại gia đình tôi đang nuôi thả tôm thẻ chân trắng trong 3 ao nổi với diện tích 4 sào. 2 năm trở lại đây, gia đình đã đầu tư 900 triệu đồng để cải tạo toàn bộ ao đất thành ao nổi, phủ bạt và xây dựng khung mái che cho các ao nuôi. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi trong ao đất do ưu điểm ao nổi dễ dàng kiểm soát được môi trường ao nuôi, hạn chế sinh vật ngoại lai xâm nhập, giảm thiểu rủi ro cho đàn tôm trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, môi trường không ổn định”. Ngoài ra, theo ông Bảng, sau mỗi vụ nuôi, công tác vệ sinh ao, phơi nền đáy cũng dễ dàng, triệt để hơn. Mỗi ao nuôi được thiết kế có mái che kín giúp kiểm soát nhiệt độ môi trường, gia đình ông Bảng có thể nuôi tôm trái vụ đầu mùa đông, vừa được giá mà vẫn đảm bảo chất lượng đàn tôm. Với mô hình đầu tư hiện đại, khép kín nên gia đình ông có thể chủ động nuôi thả tôm thâm canh với mật độ phù hợp, trung bình từ 100 con/m2; sau khoảng 100 ngày thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 50 con/kg. Mỗi vụ nuôi tôm trong ao nổi có mái che giúp ông Bảng thu được 3-4 tấn tôm, trừ chi phí gia đình có lãi từ 100-200 triệu đồng. Trên diện tích 2ha ao đầm, gia đình anh Vũ Văn Tín ở xóm 9 đã đầu tư 1,4 tỷ đồng đầu tư 6 ao nuôi cá mú. Để cá mú sinh trưởng tốt, anh Tín đầu tư cho cá ăn thức ăn tươi sống là cá mồi, nuôi thả thưa với mật độ 1.500 con/ao; đồng thời lắp đặt camera an ninh theo dõi quá trình sinh trưởng của cá, phòng ngừa rủi ro bất lợi do thời tiết diễn biến phức tạp. “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thu được hơn 4 tấn cá mú thương phẩm từ 2 ao nuôi. Với giá cá mú trên thị trường hiện nay từ 200-250 nghìn đồng/kg, trừ chi phí gia đình cũng thu về hơn 100 triệu đồng”, anh Tín cho biết.
Lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn xã Phúc Thắng hiện khá phát triển với gần 20 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm, chế biến bột cá… Cơ sở sản xuất nước mắm Lạch Giang của gia đình anh Nguyễn Thanh Bình ở xóm 13 là một cơ sở có tiếng của xã. Nước mắm nguyên chất – gia truyền Lạch Giang được sản xuất theo phương pháp truyền thống; nguyên liệu gồm cá lâm, cá cơm (địa phương gọi là cá tỏng) và muối sạch để qua ít nhất 1 năm. Qua thời gian ngâm, ủ, đánh khuấy, đảo từ 18-24 tháng cho ra sản phẩm nước mắm nguyên chất, độ đạm cao. Nước mắm Lạch Giang đã được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao từ năm 2020 và là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” của huyện Nghĩa Hưng và tỉnh năm 2019. Mỗi năm, cơ sở tiêu thụ khoảng 5.000 lít nước mắm, cung cấp đi các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã có 120 tàu, tổng công suất 5.315CV thường xuyên liên tục bám biển đánh bắt hải sản. Xã tạo điều kiện cho các cơ sở thu mua, sơ chế hải sản, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, nâng cao giá trị thủy, hải sản, ước hàng năm ước đạt 110,3 tỷ đồng… Ngoài nghề truyền thống, xã cũng quan tâm phát triển đa dạng các ngành nghề may mặc, cơ khí, đan xuất khẩu, chế biến hải sản, sản xuất thức ăn cho cá…; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, xã thường xuyên phối hợp với các tô chức tín dụng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân xã Phúc Thắng tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn đầu tư làm ăn. Tổng dư nợ tại Agribank là 139 tỷ đồng với 274 hộ, tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 37,54 tỷ đồng với 827 hộ vay, tại Quỹ tín dụng nhân dân xã là 135 tỷ đồng với 450 hộ vay.
Thời gian tới, xã Phúc Thắng tiếp tục huy động, khai thác tối đa các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển như các công trình đê kè, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư phát triển tàu thuyền công suất lớn khai thác xa bờ, trang bị kỹ thuật hiện đại. Tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn người dân phát triển các mô hình nuôi thủy sản bền vững, an toàn gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị./.
Bài và ảnh: Đức Toàn