Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023-2025.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập huyện xã sáng 31/7, ông Trần Sỹ Thanh cho biết 176 xã cũng thuộc diện phải sáp nhập từ nay đến 2025. Thành phố sẽ tổ chức tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân ủng hộ, sau đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện.
Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000. Trong hai năm tới, các huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.
Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm chỉ đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.
Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng. Điển hình là Quần thể di tích Hồ Gươm – Đền Ngọc Sơn – Đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19-8, Nhà Thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân.
Quận gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và gìn giữ Thăng Long – Hà Nội. Xưa kia, nơi đây thuộc huyện Thọ Xương, là đầu mối giao lưu với tứ trấn, hội tụ nhân tài trăm nghề khắp nơi, đến nay còn ghi dấu ấn như phố Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Gai…
Quá trình phát triển, địa giới hành chính quận Hoàn Kiếm ngày càng mở rộng. Năm 1886, quận phát triển về phía Nam hồ Hoàn Kiếm theo kiểu khu phố của người Châu Âu, với hệ thống bàn cờ. Giai đoạn 1954-1961, quận gồm khu phố Hoàn Kiếm, Đồng Xuân và một phần phố Hàng Cỏ, Hai Bà.
Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ năm 1961, khu phố Hoàn Kiếm gồm khu phố Hoàn Kiếm và Đồng Xuân cũ, một phần khu phố Hàng Cỏ và Hai Bà cũ. Sau năm 1975, quận phát triển mạnh ra phía ngoài đê sông Hồng, hình thành các khu nhà tập thể của các cơ quan. Đầu năm 1981, thực hiện Hiến pháp mới, chính quyền Hà Nội được tổ chức thống nhất thành ba cấp, trong đó khu phố Hoàn Kiếm được gọi là quận Hoàn Kiếm, gồm 18 phường, giữ ổn định đến nay.
Giai đoạn 2019-2021, thành phố Hà Nội đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường. Hiện thành phố có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và 579 đơn vị hành chính cấp xã (383 xã, 175 phường, 21 thị trấn).
Sáp nhập huyện xã phải cân nhắc kỹ đặc thù văn hóa, lịch sử
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sáp nhập huyện xã cần có lộ trình theo từng giai đoạn với cách làm phù hợp. Nơi có điều kiện thuận lợi làm trước, nơi chưa có điều kiện xác định lộ trình phù hợp thực hiện. Quá trình sáp nhập huyện xã phải đáp ứng phát triển bền vững, phát huy hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội, tạo không gian phát triển mới với tư duy, giá trị mới.
“Cần sáp nhập huyện xã trên cơ sở khoa học, tiêu chuẩn diện tích và dân số, nhưng cân nhắc kỹ đặc thù lịch sử, văn hóa, phong tục”, Thủ tướng nói, lưu ý việc sáp nhập phải gắn với sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, cơ cấu và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng chính quyền số, xã hội số. Sáp nhập phải tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân, giải quyết tốt các mối quan hệ dân sự, kinh tế.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết sau hội nghị, Chính phủ sẽ lập Ban chỉ đạo đôn đốc công việc do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đứng đầu. Bộ Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư được giao ban hành hướng dẫn trước 3/8. Năm bộ Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn hai ngày sau đó. Các địa phương xây dựng phương án sáp nhập huyện xã, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Giữa tháng 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030. Dự kiến, giai đoạn 2023-2025, 33 đơn vị cấp huyện và 1.327 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Đến năm 2025, các tỉnh, thành cần hoàn thành sắp xếp huyện, xã có đồng thời hai tiêu chuẩn diện tích và dân số dưới 70% quy định; huyện đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% quy định.
Đến năm 2030, các địa phương hoàn thành sắp xếp huyện, xã còn lại có đồng thời diện tích và dân số dưới 100% quy định; huyện đồng thời có diện tích dưới 30% và dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có diện tích dưới 30% và dân số dưới 300% quy định.
Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc sáp nhập 21 huyện và 1.056 xã, qua đó giảm 8 huyện và 561 xã. Việc sắp xếp giúp giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, giảm chi ngân sách nhà nước 2.000 tỷ đồng.
Viết Tuân – Võ Hải