Hàng chục cây me tây, phượng hơn chục năm tuổi ở quận Bình Tân, Bình Thạnh bị cắt nhánh trơ trụi, chỉ còn phần thân khiến nhiều người tiếc nuối.
Chiều 30/7, hơn chục cây me tây, đường kính từ 30-50 cm nằm trong công viên Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh chỉ còn nhánh cây thô ráp, trông thiếu sức sống xen kẽ những cây lớn vẫn còn nguyên cành lá. Dưới gốc hàng trăm thớ gỗ lớn, đường kính hơn một gang tay chất đống.
Bà Hương, 55 tuổi bán trái cây gần khu vực nói hàng cây thường ngày tạo bóng mát cho người dân đi bộ, tập thể dục, người bán hàng ở chợ Thanh Đa. Vài ngày trước có người đến tỉa cành, nhưng khi xong việc cây chỉ còn trơ trọi những nhánh to. “Tôi thấy tiếc quá, phải mất mấy năm cây mới lớn cho bóng mát được như vậy nhưng bị cắt trụi trong vài giờ”, bà nói.
Cách đó khoảng 15 km, 12 cây phượng nằm trong khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Sangri-La, quận Bình Tân cũng bị cắt hết cành, có cây chỉ còn lại thân cao 3-5 m. Hầu hết phần gốc các cây đều còn tươi tốt, không có dấu hiệu mục hoặc sâu bệnh.
Đại diện Tập đoàn Môi trường xanh (đơn vị phụ trách duy tu cây xanh tại công viên Thanh Đa), cho biết các cây đã được khảo sát trước khi cắt tỉa. Do cây me tây là loại có bộ rễ nổi, nếu để nhiều cành lá sẽ tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ nên phải xử lý.
Trong khi đó, theo hướng dẫn trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên tổ chức, cá nhân do Sở Xây dựng TP HCM ban hành, việc cây xanh bị cắt trụi lá là không đúng kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng, mất an toàn và mỹ quan. Cây xanh bị cắt trụi dễ sinh ra nhiều chồi bất định, khi phát triển thành cành cây có liên kết yếu, rất dễ gãy, tét gây mất an toàn.
Về khía cạnh chuyên môn, PGS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, cho rằng các loại me tây, bàng, phượng khi phát triển đến 20-30 năm rễ bắt đầu nổi lên, dễ bị hư hỏng, trong khi cành rất mềm. Tuy nhiên, để đề phòng sự cố nên tỉa thưa các cành, tán lá yếu chứ không nên cắt trụi. “Cây bị cắt trụi có thể ra nhánh, lá trở lại nhưng phải mất rất lâu để cho bóng mát nên cần xử lý hợp lý”, ông Hà nói.
TS Chế Đình Lý, thuộc Đại học Nông Lâm TP HCM, cũng cho biết việc tỉa cây xanh như trên là kỹ thuật cắt thấp, nhằm ngăn cây mọc thêm cành vươn lên quá cao, dễ gãy đổ. Việc cắt tỉa như vậy không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của cây nhưng làm giảm bóng che do tán lá bị cưa trụi. Tuy nhiên, kỹ thuật này thông thường chỉ áp dụng với những cây còn nhỏ để quá trình phát triển thêm các nhánh sau đó được đồng đều, chiều cao cũng phù hợp.
Theo ông, việc đảm bảo an toàn đề phòng cây xanh ngã đổ vẫn là yêu cầu tiên quyết, nhưng tùy khu vực và chủng loại cây, đơn vị cắt tỉa cần khảo sát, tính biện pháp phù hợp không ảnh hưởng đến khả năng phát triển, phục hồi của cây cũng như mỹ quan.
Năm ngoái, hơn 20 cây bàng Đài Loan trong khu dân cư ở quận 8 cũng bị cắt trụi lủi do xử lý không đúng cách, bị lố tay. Quận sau đó đã rà soát, lên phương án để hồi phục hàng cây này.
Gia Minh – Đình Văn