Băn khoăn chọn trường phù hợp với số điểm đạt được tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa được công bố để đặt đúng nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, nhiều thí sinh và gia đình đã tính toán kỹ lưỡng. Em Trần Quỳnh Nga, lớp 12A, Trường THPT Nho Quan B cho biết: Với điểm thi khối B00 đạt 28,9 điểm, em đặt nguyện vọng 1 là khoa Y đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội, ngoài ra, em cũng đặt một số nguyện vọng ở khối ngành công nghệ thông tin bằng xét tuyển theo hình thức đánh giá năng lực. Với 2 phương thức xét tuyển đó, em có nhiều cơ hội hơn để đỗ vào trường đại học.
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục 20 phương thức xét tuyển khác nhau để các trường đại học sử dụng tuyển sinh. Để thí sinh có lựa chọn đúng đắn với nguyện vọng ngành học ở các trường đại học, gia đình thí sinh luôn đồng hành cùng thí sinh trong quá trình lựa chọn ngành học, trường phù hợp với điểm số của con mình.
Chị Nguyễn Thị Thảo, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: Con tôi đạt được 24,15 điểm ở tổ hợp khối D (chưa tính điểm ưu tiên) và có nguyện vọng học ngành kinh tế. Tuy nhiên, rất khó cho việc lựa chọn ngành, trường học nên tôi cùng con rà soát lại điểm trúng tuyển ở một vài năm trước; đồng thời, chú ý tới điều kiện, tiêu chuẩn của trường mình định chọn. Sau đó đối chiếu với kết quả thi tốt nghiệp THPT để có lựa chọn phù hợp. Gia đình cùng con cân nhắc đăng ký trước ngày 30/7 để đảm bảo lựa chọn kỹ càng.
Theo khảo sát của một số thí sinh và gia đình thí sinh trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều rất thận trọng trong việc chốt đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT.
Chị Trương Thị Đương, xóm 5, xã Kim Mỹ (Kim Sơn) cho biết: Con tôi đạt điểm khá cao ở khối A00, tuy nhiên để tránh tình trạng điểm cao vẫn trượt các nguyện vọng, gia đình cùng con khai thác tối đa quyền được đăng ký số nguyện vọng của mình. Bên cạnh đó, nghiên cứu và tìm hiểu về chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh, từ đó tránh được việc chỉ đăng ký vào những ngành không còn nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh phải sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên hệ thống. Trong quá trình đăng ký, thí sinh cần thực hiện đúng, đủ quy trình đăng ký xét tuyển.
Tiến sĩ Dương Trọng Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Năm 2023, với mức điểm thi tốt nghiệp THPT không cao như năm 2022, lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh không quá cao (trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT có trên 600 nghìn thí sinh đăng ký tuyển sinh cả nước/hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT).
Để đảm bảo nhu cầu đào tạo của thí sinh, dựa theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đưa ra, thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển đại học. Đây được xem là cơ hội lớn giúp thí sinh tự tin theo đuổi ngành nghề mà bản thân yêu thích.
Thí sinh nên chọn ngành trước sau đó mới chọn trường. Để chọn ngành, thí sinh cần xem năng lực, sở trường của bản thân phù hợp với ngành nào. Các em có thể hỏi kinh nghiệm, xin ý kiến tư vấn của bố mẹ, người thân hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực mình dự định đăng ký xét tuyển.
Bên cạnh đó, thí sinh chỉ việc lựa chọn căn cứ xét tuyển là dựa vào điểm thi THPT hoặc học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, dữ liệu khác trên hệ thống tương ứng với ngành học để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
“Các em nên tích vào các mục mà các em dùng để xét tuyển, không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng mà chỉ nên tập trung vào 1-2 ngành học, sau đó rà soát và lựa chọn ở cả 3 nhóm trường tương ứng với 3 mức điểm đầu vào: cao hơn năng lực của thí sinh; tương đương với năng lực của thí sinh và thấp hơn so với năng lực của thí sinh”.
Theo đó, tổng số nguyện vọng dao động khoảng 3-5 nguyện vọng là phù hợp. Hướng đi này sẽ giúp thí sinh đề phòng rủi ro, đồng thời không giới hạn cơ hội của bản thân. Các thí sinh chú ý đăng ký trên Hệ thống nguyện vọng 1 với những trường muốn học. Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, nên chọn 2 căn cứ xét tuyển điểm thi THPT và căn cứ xét tuyển bằng học bạ THPT.
Cùng với đó, thí sinh cần nghiên cứu các thông tin về chi phí tuyển sinh ở các trường đại học trong cùng ngành học, quan tâm tới các trường đại học ở địa phương với chi phí đào tạo rẻ hơn các trường ở Hà Nội do đã tự chủ nên kinh phí đào tạo tương đối cao.
Năm học 2023-2024, Trường Đại học Hoa Lư được Bộ GD-ĐT giao 246 chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm đào tạo giáo viên; khối ngành ngoài sư phạm được tuyển theo năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhà trường tuyển sinh các nhóm ngành chính Kế toán, Quản trị kinh doanh, Du lịch, Công nghệ thông tin, mỗi ngành, trường tuyển sinh 100 chỉ tiêu.
Trên Hệ thống đăng ký của Bộ GD-ĐT, đến nay, nhóm ngành đào tạo giáo viên đã đảm bảo chỉ tiêu đăng ký, còn nhóm ngành ngoài sư phạm còn tương đối hạn chế. Do đó, sau quy định tuyển sinh đến ngày 30/7 của Bộ GD-ĐT, nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh đợt 2 đối với nhóm ngành ngoài sư phạm, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh được học đại học khi có nhu cầu.
Với hàng trăm trường đại học trong cả nước, việc chọn trường đại học phù hợp là điều không hề dễ dàng với các thí sinh. Tuy nhiên, chỉ còn 2 ngày cuối cùng để đăng ký nguyện vọng (đến 17 giờ ngày mai, 30/7), thí sinh cần rà soát kỹ lưỡng, củng cố niềm tin và khẳng định sự chắc chắn của mình để đưa ra lựa chọn sớm trong thời điểm “nước rút này”, không nên để đến phút chót mới chốt việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Đồng thời, thí sinh cần lưu ý rà soát tổng thể xem các thông tin đăng ký của mình đã đúng chưa, kiểm tra email, nếu có trục trặc thì liên hệ bộ phận tuyển sinh các trường đại học, trường phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo để được hỗ trợ.
Sau khi kết thúc đăng ký nguyện vọng vào ngày 30/7, thí sinh chú ý từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến. Ngày 22/8, các trường đại học công bố danh sách trúng tuyển. Đến đầu tháng 9, các trường đại học có thể khai giảng năm học mới, đón tân sinh viên.
Bài, ảnh: Hồng Vân