Xuất khẩu máy tính của Việt Nam đạt kỷ lục Xuất khẩu máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại đạt gần 42 tỷ USD |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/6/2023, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,94 tỷ USD; trong khi đó, điện thoại và linh kiện chỉ đạt 21,93 tỷ USD. Như vậy, máy tính đã vượt điện thoại 1 tỷ USD.
Cần phát triển các sản phẩm linh kiện điện tử quan trọng |
So với 1 năm trước đây, cả 2 nhóm hàng đều có kim ngạch sụt giảm hàng tỷ USD. Cụ thể, điện thoại và linh kiện giảm 5,11 tỷ USD, tương ứng giảm 18,9% sau 5,5 tháng đầu năm; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,74 tỷ USD, tương ứng giảm 7%…
Kết quả trên thực tế do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp 98,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, đạt trên 54,6 tỷ USD. Nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như: Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng. Nhờ đó, các sản phẩm máy vi tính, linh kiện, điện tử ngày càng đa dạng hóa theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các thị trường xuất khẩu chính nhóm hàng này bao gồm: Mỹ, Trung Quốc, khối EU, Hồng Kông, ASEAN, Hàn Quốc. Riêng kim ngạch xuất khẩu sang 6 thị trường chính đã đạt 46,82 tỷ USD, chiếm hơn 84% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến trên 100 thị trường trên thế giới. Mặc dù vậy, ngành điện tử vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng giảm đơn hàng do thị trường máy tính và linh kiện toàn cầu đang sụt giảm, dấu hiệu phục hồi chưa cao.
Các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam tăng mạnh sau khi dịch bệnh được khống chế. Điều đó đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong những năm tới.
Tuy nhiên, những thách thức mà ngành điện tử đang đối mặt đòi hỏi Nhà nước phải kịp thời điều chỉnh chính sách thu hút FDI có chọn lọc để tận dụng hiệu quả làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam; tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh số hóa; tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp có triển vọng, từ đó đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, nhất là các sản phẩm điện – điện tử gia dụng.
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, trong thời gian tới, cần xây dựng một chiến lược hỗ trợ dài hơi, giúp biến đổi ngành từ việc lắp ráp đơn giản sang sản xuất, chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ðầu tiên, cần thúc đẩy phát triển các sản phẩm như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử quan trọng.
Bộ Công Thương cho rằng, cần thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, các hiệp hội ngành nghề; tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết…
Về phía các doanh nghiệp điện tử, cần chú trọng hơn tới việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả. Mỗi doanh nghiệp cần tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng cũng như phát triển công nghệ chung của thế giới. Trên cơ sở đó, giúp cho doanh nghiệp nội tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt.