Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, khoảng 22h15 tối 30/7, nạn nhân thứ 4 bị vùi lấp trong vụ sạt lở đèo ở Bảo Lộc đã được tìm thấy và đưa ra khỏi hiện trường.
Cả 4 nạn nhân gồm: 3 chiến sĩ CSGT, 1 người dân đều đã tử vong. Hiện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và công an tỉnh này đang thực hiện các thủ tục theo quy định.
Chiều 30/7, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an – ƯPT) có Công điện gửi Ban Chỉ huy ƯPT Công an tỉnh Lâm Đồng; Ban Chỉ huy ƯPT các đơn vị gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Cục CSGT; Công an tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận…
Công điện nêu rõ, trong các ngày 29- 30/7, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa tính từ 20h ngày 29/7 đến 15h ngày 30/7 đạt 40-70mm. Đặc biệt, tại đèo Bảo Lộc, lượng mưa vượt trên 190mm đã khiến nhiều điểm bị sạt lở, đất đá, cây cối ngã đổ tràn ra đường gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng cả 2 chiều, nhiều phương tiện hư hỏng.
Khoảng 14h30 ngày 30/7, khi các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm CSGT Mađaguôi (Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, được lệnh trở về chốt CSGT đèo Bảo Lộc thì bất ngờ một lượng lớn đất đá đổ xuống vùi lấp 3 cán bộ chiến sĩ và 1 người dân.
Để khẩn trương tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ sạt lở, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 04 của Bộ Công an về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa, lũ.
Văn phòng Bộ Công an yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, giao Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì, quyết liệt, khẩn trương chạy đua với thời gian để tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời huy động lực lượng, phương tiện của lực lượng Công an nhân dân phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân đang bị vùi lấp trong đất đá và khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên. Tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình cán bộ chiến sĩ Công an bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị ảnh hưởng.
Văn phòng Bộ Công an cũng yêu cầu Công an tỉnh Lâm Đồng, bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời. Có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, đảm bảo an ninh, trật tự, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lũ.
Văn phòng Bộ Công an yêu cầu Công an các địa phương lân cận như: Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai và Bình Thuận… chủ động các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai đặc biệt khi có mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất. Các đơn vị chức năng của Bộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để kịp thời chi viện khi có yêu cầu.
Đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân các biện pháp ứng phó mưa lũ; kịp thời thông tin về tình hình và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai.