Tìm hướng đi giúp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung, âm nhạc của đồng bào Khmer nói riêng đã và đang là nỗi trăn trở của những nhà nghiên cứu và người hoạt động nghệ thuật. Để âm nhạc Khmer tồn tại trong dòng chảy hiện đại, cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
Đội nhạc ngũ âm chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) tập luyện tiết mục mới để phục vụ lễ hội.
“LINH HỒN” CỦA NGHỆ THUẬT KHMER
Với sắc màu văn hóa đa dạng, đồng bào Khmer ở Bạc Liêu sở hữu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc được hình thành trong đời sống lao động sản xuất, quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh chống lại cái xấu. Đó là múa Rôm- vông, múa trống Chhay-dăm, múa Rô-băm, nhảy khỉ ngựa, sân khấu Dù kê… Mỗi loại hình đều có nét đặc trưng, tuy nhiên để phát triển trong đời sống tinh thần của người dân phải cần được kết hợp với âm nhạc. Bởi, nhờ giai điệu của âm nhạc mà những động tác múa trở nên uyển chuyển, những người trình diễn nghệ thuật được thăng hoa hơn và góp phần tạo không khí rộn ràng cho các lễ hội văn hóa. Âm nhạc chính vì thế là “linh hồn” của nghệ thuật Khmer!
Tuy vậy, âm nhạc truyền thống do được hình thành lâu đời và xuất phát từ trong dân gian nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mai một. Thêm nữa, những năm gần đây lớp người kế thừa âm nhạc Khmer ngày càng lớn tuổi, lớp trẻ thì ít được truyền nghề bài bản. Đặc biệt, việc du nhập các loại hình âm nhạc hiện đại ngày càng phổ biến khiến cho âm nhạc Khmer truyền thống càng rơi vào tình cảnh “lép vế”, nhất là một bộ phận giới trẻ có biểu hiện quay lưng với âm nhạc dân tộc. Minh chứng cho điều này là số đội nhạc ngũ âm tại các phum sóc không phát triển về số lượng và chất lượng, hầu hết thành viên là những nghệ nhân luống tuổi. Tại Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu năm 2022 chỉ có 10 đội đến từ các chùa Khmer tham gia thi diễn, trong khi cả tỉnh có đến 22 chùa Khmer.
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bạc Liêu biểu diễn điệu múa truyền thống. Ảnh: H.T
GÌN GIỮ VỐN QUÝ CỦA PHUM SÓC
Âm nhạc truyền thống chính là vốn văn hóa quý giá của người dân phum sóc. Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng việc bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc Khmer cần được đặc biệt quan tâm. Anh Kim Văn Đồi – nhạc công Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, chia sẻ: “Thời gian qua Đoàn thường xuyên làm mới các dòng nhạc dân gian Khmer bằng cách kết hợp các loại nhạc cụ để tạo ra những bản phối có giai điệu đặc sắc. Với cách làm này, những chương trình nghệ thuật của Đoàn ngày càng đa dạng màu sắc, cuốn hút nhiều khán giả, trong đó có các bạn trẻ đến thưởng thức”.
Bên cạnh đó, việc đưa âm nhạc Khmer vào trường học là ý kiến được nhiều nhà nghiên cứu, người hoạt động nghệ thuật đồng tình để hình thành đội ngũ kế thừa. Theo GS-TS Đặng Hoành Loan – người có nhiều năm nghiên cứu âm nhạc dân gian thì mặc dù nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ có thái độ trân trọng âm nhạc truyền thống, nhưng không có khả năng diễn xướng những giai điệu đó một cách chính xác, đúng phong cách. Vì thế, cần tập trung mở các lớp truyền dạy tại địa phương để người hát hay, đàn giỏi dạy lại cho học sinh nhằm giúp các em hiểu ý nghĩa, yêu thích theo học bộ môn này.
Để âm nhạc Khmer truyền thống được bảo tồn, phát huy giá trị trong dòng chảy hiện đại rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành thông qua những chính sách hỗ trợ, đào tạo, tuyên truyền. Cùng với đó cũng đòi hỏi sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng từ Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu và nhất là đồng bào Khmer để âm nhạc Khmer ngày càng phát triển, lan tỏa trong đời sống người dân các phum sóc.
HỮU THỌ