Kiến trúc truyền thống và… đi ngủ trưa
Không có kỹ thuật kiến trúc đơn lẻ nào có thể giải quyết vấn đề nắng nóng ngột ngạt đã bao trùm phần lớn châu Âu vào mùa hè này. Nhưng ở một lục địa, nơi mà việc sử dụng điều hòa nhiệt độ tương đối hạn chế, các kỹ thuật xây dựng bền vững có thể giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ cư dân.
Những tính năng đó, bao gồm sân trong, cửa chớp nặng, sơn phản chiếu và mặt tiền bằng đá trắng, có thể giữ cho ngôi nhà mát mẻ tự nhiên và giảm nhu cầu sử dụng điều hòa không khí. Tiến sĩ Marialena Nikolopoulou, chuyên gia về kiến trúc bền vững tại Đại học Kent (Anh), cho biết vấn đề, đặc biệt đối với các thành phố Địa Trung Hải đã phải chịu đựng nhiệt độ thiêu đốt vào mùa hè này, là nhiều tòa nhà mới hơn đã được xây dựng theo phong cách phương Tây hiện đại.
“Chúng ta đã bắt đầu du nhập kiến trúc phương Tây và quên đi truyền thống địa phương”, Tiến sĩ Nikolopoulou phát biểu trong một trưa hè tại Athens, thủ đô nóng nhất trên cựu lục địa – với nhiệt độ trung bình hàng ngày là 33,4 độ C vào tháng 7 vừa qua và nhiệt độ cao nhất được ghi nhận lên tới 48 độ C.
Các tòa nhà cao tầng, hiện đại và việc sử dụng các vật liệu như nhựa đường để làm đường giữ nhiệt, góp phần tạo ra hiệu ứng “đảo nhiệt”, trong đó các thành phố nóng hơn các khu vực nông thôn xung quanh. Đợt nắng nóng đang diễn ra ở Hy Lạp đã dẫn đến tình trạng khô hạn, gây cháy rừng tại nhiều vùng của đất nước.
Ở các nước Địa Trung Hải như Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những ngôi nhà truyền thống có xu hướng thiết kế để cho phép gió thổi qua chúng. Nhưng cùng với đó, còn là khả năng giữ mát của những lớp tường dày.
Tiến sĩ Catalina Spataru, chuyên gia về Năng lượng và Tài nguyên toàn cầu tại Viện năng lượng của Đại học College London cho biết, những bức tường dày giúp hấp thụ nhiệt vào ban ngày và giải phóng nhiệt vào ban đêm, sẽ phần nào bù đắp sự mát mẻ cho những cư dân không có điều hòa không khí.
Ngoài ra, những lối đi hẹp ở một số khu vực phố cổ, những con đường rợp bóng cây và những giàn che ở các khu vực công cộng cũng tạo bóng mát cho người đi bộ. Chính phủ một số nước như Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha khi khuyến cáo các biện pháp để bảo vệ người dân khỏi nắng nóng, đã khuyên mọi người tranh thủ các không gian công cộng. Các nước này cũng lên kế hoạch tạo ra các công viên nhỏ trong khu dân cư, có thể giúp không khí nơi đây mát hơn vài độ so với đường phố, đồng thời giúp cư dân giảm tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Điều hòa không phải giải pháp bền vững
Những ngày châu Âu đang hứng chịu cái nóng kỷ lục, điều hòa không khí là thứ mà nhiều cư dân rất muốn có. Nhưng các chuyên gia làm mát nói rằng việc ngày càng phụ thuộc vào điều hòa không khí, một thiết bị rất ngốn năng lượng, không phải là một giải pháp bền vững.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019, các thiết bị làm mát thông thường, bao gồm máy điều hòa không khí và tủ lạnh, đã chiếm tới 10% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Trong khi đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một tổ chức liên chính phủ đưa ra các khuyến nghị chính sách về lĩnh vực năng lượng toàn cầu, cho biết doanh số bán máy điều hòa không khí hàng năm trên toàn thế giới đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1990.
Nhiệt độ ở Bắc Âu thường mát hơn ở Nam Âu, nhưng khi thời tiết thay đổi cực đoan như hiện nay thì một thách thức lớn là nhiều ngôi nhà tại Bắc Âu sẽ rất nóng và bí do được thiết kế để giữ nhiệt. Tại vùng Scandinavia, nơi nhiều ngôi nhà được xây dựng bằng vật liệu xây dựng nhẹ hơn như gỗ, rất tốt cho thời tiết lạnh, nhưng có thể khiến việc đối phó với nhiệt độ cực cao trở nên khó khăn hơn.
Radhika Khosla, phó giáo sư về Phát triển bền vững tại Đại học Oxford cho biết: “Các tòa nhà và ngôi nhà ở Bắc Âu không phù hợp với khí hậu ngày càng nóng. Với nhiệt độ tăng cao một cách cực đoan như hiện nay, họ sẽ cần đến điều hòa không khí”.
Nhưng theo phó giáo sư Radhika Khosla, điều này sẽ dẫn tới một cái vòng luẩn quẩn. “Nếu không có những biện pháp can thiệp bền vững, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào điều hòa không khí sẽ góp phần vào việc tăng cường đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để giữ cho con người mát mẻ. Và điều này thì chỉ làm thế giới bên ngoài trở nên nóng hơn mà thôi”, bà Khosla nhấn mạnh.
Học cách… ngủ trưa
Các chuyên gia làm mát cũng cho biết, ở những nơi không có điều hòa nhiệt độ, việc thay đổi lối sống là rất quan trọng để thích nghi. Những thay đổi đó bao gồm tránh các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày và ngủ trưa – ngay cả ở Bắc Âu và những khu vực có khí hậu mát mẻ hơn, nơi mọi người không quen dừng công việc hoặc hoạt động dưới cái nóng buổi chiều.
Giấc ngủ trưa vốn là một nét sinh hoạt truyền thống đã thành bản sắc riêng ở Tây Ban Nha, từng bị nhiều nước châu Âu chế giễu là biểu hiện của sự lười biếng. Nhưng giờ đây, các quốc gia như Đức, một trong những nước ghét ngủ trưa nhất, cũng đang có cái nhìn khác về thói quen này.
“Ngủ trưa trong thời tiết nắng nóng chắc chắn là một gợi ý không tồi”, Karl Lauterbach, Bộ trưởng Y tế Đức cho biết, khi nói tới những lời kêu gọi từ các quan chức y tế công cộng của Đức về việc bắt chước Tây Ban Nha, nơi vẫn chứng kiến các cửa hàng đóng cửa và đường phố vắng vẻ từ 2 đến 4 giờ chiều vì người dân ngủ trưa.
Johannes Niessen, Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ quốc gia của Đức, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RND cũng tuyên bố: “Chúng ta nên tuân theo các thông lệ làm việc của các nước phía Nam trong thời tiết nắng nóng. Dậy sớm, làm việc hiệu quả vào buổi sáng và ngủ vào buổi trưa là một khái niệm mà chúng ta nên áp dụng trong những tháng mùa hè”.
Quang Anh