Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Lao động- thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023 diễn ra vào chiều 28/7, một số đoàn viên, người lao động đề nghị tiếp tục quan tâm về nhà công vụ cho giáo viên cắm bản; có chính sách lương phù hợp cho giáo viên mầm non; xây dựng quy định giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục có lực lượng giáo viên, cán bộ gần 1,6 triệu người, chiếm số lượng đáng kể so với người lao động cả nước. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến lực lượng nhà giáo. Đối với những nhà giáo công tác tại vùng núi, biên giới, hải đảo… còn được thêm một số chính sách ưu đãi khác, như phụ cấp trách nhiệm, tuỳ theo từng đối tượng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, Bộ trưởng cho biết, trải qua ảnh hưởng dịch COVID-19, các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết 103 hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, đã chi trả cho hơn 50.000 người với số tiền là 158 tỉ đồng. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với giáo viên mầm non ngoài công lập.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với những vất vả, hy sinh của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải có ưu tiên nhiều hơn để động viên được giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách, như đẩy mạnh kiên cố hoá trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn; phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. 2 Bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc các bộ ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Ngoài ra, Bộ đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, khó khăn để động viên đối tượng này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm rằng hiện nay cả nước có 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, nên rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi của họ.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có trả lời cử tri về kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non.
Theo đó, cử tri bày tỏ giáo viên mầm non phải năng động, nhanh nhẹn và có sức khỏe để đảm bảo tốt việc chăm sóc, dạy trẻ múa, hát. Đồng thời, các cô phải tự làm các mô hình, công cụ để phục vụ việc dạy học cho các cháu. Do đó, việc tăng tuổi về hưu đối với giáo viên mầm non lên 60 tuổi là chưa phù hợp.
Cử tri mong Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát, sớm xây dựng thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt. Trong đó, có việc quan tâm bổ sung giáo viên mầm non vào đối tượng các ngành nghề đặc biệt.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không có nghề, công việc “giáo viên mầm non”.
Ngoài ra, do nghề giáo viên mầm non là nghề đặc thù nên khi không còn đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, chuyên môn của nghề này (không phải là hết tuổi lao động, đủ điều kiện tuổi hưởng chế độ hưu trí) thì giáo viên có thể được hỗ trợ đào tạo chuyển sang nghề khác, nếu có nhu cầu làm việc.
Tuy nhiên, Bộ này cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá thêm các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động của nghề giáo viên mầm non để xem xét, bổ sung theo nguyện vọng của cử tri.
(Theo VTV)