Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp
Theo thông tin từ UBND tỉnh Long An, định hướng phát triển đến năm 2030, tỉnh này sẽ có 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích thêm gần 3.200 ha, nâng tổng số khu công nghiệp của toàn tỉnh lên 51 khu với diện tích gần 12.500 ha.
Với diện tích bất động sản công nghiệp tăng mạnh như vậy, Long An sẽ trở thành địa phương có diện tích khu công nghiệp đứng thứ 2 cả nước (sau Bình Dương), tạo thành điểm mạnh thu hút đầu tư trong tương lai.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cho biết sẽ quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.800 ha, nâng tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 72 cụm với tổng diện tích gần 4.000 ha. Đồng thời tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030.
Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như: sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, sản phẩm điện tử, hoá chất và sản phẩm hóa chất, năng lượng…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, hiện nay trên toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp gần 4.300 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65,2%; trong đó, có 878 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 6,2 tỷ USD và 930 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 133.000 tỷ đồng.
Đối với cụm công nghiệp, toàn tỉnh hiện có 23 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 688 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 800 ha; tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động đạt 87,5%.
Những lợi thế vốn có
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2022, thu hút đầu tư FDI của tỉnh Long An đứng trong top 10 các tỉnh, thành phố và là địa phương đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong 6 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư FDI của Long An vượt lên đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và tiếp tục đứng đầu khu vực ĐBSCL. Hiện nay, có gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh.
Về vị trí, Long An hiện đang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ kết nối các tỉnh ĐBSCL với TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tỉnh này hiện cũng có quỹ đất công dồi dào và hệ thống nhà xưởng có sẵn trong các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt là với nhu cầu đang tăng cao đối với bất động sản công nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Về hạ tầng kết nối, hiện Long An đang hưởng nhiều lợi thế về kết cấu hạ tầng giao thông, đang được tập trung phát triển đồng bộ để kết nối các khu công nghiệp với cảng Long An, tạo liên kết trong tỉnh và lợi thế về hạ tầng giao thông.
Theo quy hoạch của tỉnh Long An, tổ chức không gian sẽ phát triển theo mô hình “Một trung tâm – hai hành lang – ba vùng kinh tế – xã hội (KT-XH) – sáu trục động lực”. Trong đó, một trung tâm là TP Tân An. Hai hành lang gồm: đường vành đai 3, 4 và hành lang phát triển phía Nam. Ba vùng KT-XH gồm: vùng đô thị và công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu, vùng đệm sinh thái. Sáu trục động lực gồm: đường vành đai 3, 4, Quốc lộ 50B, đường song hành Quốc lộ 61B, trục Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh, Quốc lộ N1 và trục động lực Đức Hòa.
Tất cả sự chuẩn bị này đều hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm phát triển kinh tế, một trung tâm công nghiệp tại khu vực phía Nam theo quy hoạch mục tiêu đến năm 2030 của tỉnh. Với định hướng này, Long An sẽ trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp của vùng ĐBSCL kết nối chặt chẽ với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ. Long An cũng là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.