Carbohydrate là chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng vì nó cung cấp năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nó làm tăng lượng đường trong máu. Vậy, người bệnh đái tháo đường nên hiểu và sử dụng carbohydrate thế nào là đúng cách?
Carbohydrate có trong nhiều loại thực phẩm. |
1. Người bệnh đái tháo đường cần có hiểu biết đúng về carbohydrate
Carbohydrate (carbs) là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Tất cả chúng ta đều cần carbs, kể cả những người mắc bệnh đái tháo đường.
Carbs cung cấp nhiên liệu duy trì hoạt động của cơ thể. Sau khi chúng ta ăn, cơ thể sẽ phân hủy carbs thành glucose (đường) để cung cấp năng lượng cho các tế bào. Glucose di chuyển vào máu và lượng đường trong máu tăng lên. Tuyến tụy sẽ giải phóng hormone insulin và cơ thể, chúng ta cần insulin để đưa glucose vào tế bào.
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường gặp vấn đề với insulin, glucose khó đi vào tế bào. Khi glucose không thể vào tế bào, lượng đường trong máu sẽ tăng quá cao làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm với nhiều cơ quan khác.
Carbohydrate có 3 dạng: đường, tinh bột và chất xơ. Tuy nhiên sự tác động của các loại carbs không giống nhau. Cụ thể:
– Đường: Đường, thực phẩm có thêm đường (như bánh, kẹo, nước ngọt…) làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng. Thực phẩm chứa đường tự nhiên (như trái cây tươi, sữa) không làm lượng đường trong máu tăng nhanh như đường bổ sung và bổ dưỡng hơn.
– Tinh bột: Có loại tinh bột làm tăng đường trong máu nhanh nhưng loại khác làm tăng một cách từ từ. Nói chung, tinh bột ít được chế biến như ngũ cốc nguyên hạt có xu hướng làm tăng lượng đường trong máu chậm hơn, bao gồm các loại thực phẩm như: gạo lứt, yến mạch, các loại đậu… Thực phẩm được chế biến kỹ như gạo trắng, bánh mì trắng, bánh ngọt… được hấp thu nhanh hơn, làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.
– Chất xơ: Một chế độ ăn uống nhiều chất xơ có thể giúp những người mắc bệnh đái tháo đường giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định. Chất xơ trong thực phẩm giúp carbs chuyển hóa thành đường chậm hơn, làm chậm quá trình hấp thụ đường. Vì vậy, sẽ không làm lượng đường trong máu tăng đột biến. Chất xơ cũng giúp người bệnh cảm thấy no lâu và giữ cho hệ thống tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
2. Nên ăn uống thế nào để giữ cho lượng đường trong máu ổn định?
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, đường máu thường tăng cao sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Để tránh làm cho lượng đường trong máu tăng cao, cần phải có chế độ ăn uống phù hợp tùy theo tình trạng bệnh.
Theo ThS. BS Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, Bênh viện Đa khoa Đức Giang, tất cả thực phẩm chúng ta ăn vào đều được tạo thành từ 3 nhóm chất dinh dưỡng chính là: carbohydrate (tinh bột), protein (chất đạm) và chất béo. Cơ thể chúng ta cần cả 3 nhóm này nhưng nhu cầu về lượng của mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi, thói quen, tình trạng bệnh lý.
Cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường là người bệnh gặp vấn đề trong việc sản xuất hoặc sử dụng insulin khiến cơ thể không thể sử dụng được glucose làm cho glucose tăng cao trong máu. Vì thế, để kiểm soát lượng đường trong máu thì bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh phải chú ý đến việc lựa chọn cũng như tiêu thụ thức ăn dạng tinh bột một cách hợp lý.
Về nguyên tắc ăn uống, người bệnh đái tháo đường cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, kiểm soát lượng carbohydrate ăn vào (vì carbohydrate ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu), tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Người bệnh nên lựa chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI<55) như: ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, các loại khoai củ…); Các loại rau không chứa tinh bột, cà chua, cà rốt…; Các loại trái cây như táo, bưởi, mận, lê, kiwi, ổi… Nên ăn uống điều độ, ăn đúng giờ, không bỏ bữa và kiểm tra đường huyết thường xuyên.
3. Cách lựa chọn carbohydrate tốt cho người bệnh đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường nên chọn loại carbohydrate phức tạp. |
Theo ThS. BS Nguyễn Thu Yên, người bệnh đái tháo đường nên chọn loại tinh bột tốt như các loại rau xanh, củ quả; trái cây ít ngọt; ngũ cốc nguyên hạt; các loại đậu hạt…
Tinh bột tốt có chỉ số đường huyết thấp, chúng sẽ làm cho đường trong máu tăng 1 cách từ từ và giảm cũng từ từ. Do vậy có thể sẽ kiểm soát duy trì được mức đường huyết ổn định. Ngoài ra tinh bột tốt còn chứa ít calo và cung cấp một lượng lớn chất xơ và khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và trái cây tươi có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giữ cho lượng đường trong máu ổn định./.
Theo suckhoedoisong.vn