Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến; Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; lãnh đạo các Ban Đảng của Thành ủy, Sở, Ngành, quận-huyện của TP.HCM; Lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam…
Đóng góp to lớn vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM
Phát biểu ôn lại truyền thống 20 năm của ngành TN&MT, ông Nguyễn Toàn Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Ngành quản lý đất đai tại TP.HCM được hình thành từ năm 1976; cùng với sự phát triển, Ngành đã trải qua nhiều giai đoạn với nhiều tên gọi: Ban Quản lý ruộng đất (từ năm 1982), Ban Quản lý đất đai (từ năm 1990), Sở Địa chính (từ năm 1994), Sở Địa chính – Nhà đất (từ năm 1998).
Ngày 18/7/2003, UND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 121/2003/QĐ-UB thành lập Sở TN&MT thành phố trên cơ sở hợp nhất tổ chức của Sở Địa chính – Nhà đất và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Giao thông vận tải. Song đó, hệ thống Phòng TN&MT quận, huyện; cán bộ TN&MT cấp phường, xã lần lượt được hình thành và đi vào hoạt động nhằm tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường trên địa bàn thành phố.
Theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, trong 20 năm qua, Sở trải qua không ít khó khăn, gian khó, nhiều áp lực, từ hoàn thiện tổ chức bộ máy đến tính chất công việc phức tạp, gắn liền với đời sống xã hội, đóng vai trò quan trọng trong góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố,…Với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, không ngừng nỗ lực vươn lên, Sở TN&MT đã hoạt động ổn định, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức không ngừng phát triển về chất lượng, đạt được nhiều thành tựu và từng bước phát triển bền vững.
Cụ thể, Sở TN&MT đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến các tầng lớp nhân dân TP.HCM. Kịp thời xây dựng, trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành để triển khai thực hiện trên địa bàn.
Công tác quản lý đất đai ngày càng tiến bộ. Sở TN&MT đã xây dựng nhiều đề án, giải pháp quản lý có chất lượng; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sát thực tiễn, từng bước cải thiện về tiến độ, từ đó đất đai đã được đưa vào sử dụng hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu phát triển, thông qua việc phân bổ quỹ đất hợp lý. Công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đối vứi công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, TP.HCM đã hoàn thành 92,47% đối với tổ chức và 99,7% đối với cá nhân.
Sở TN&MT đã tham mưu nhiều cơ chế chính sách nổi bật trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham mưu triển khai thực hiện nhiều công trình trọng điểm, dự án lớn; phê duyệt điều chỉnh nhiều dự án bồi thường,… giúp các dự án đẩy nhanh tiến độ, người sử dụng đất bị thu hồi sớm nhận được tiền bồi thường, tái định cư để ổn định đời sống.
Theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, hiệu quả công tác quản lý đất đai góp phần thực thi nhiều chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đai đúng hướng đã mang lại thành quả to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đất đai ngày càng thực sự trở thành nguồn lực tài chính quan trọng của thành phố
Bên cạnh đó, năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) được tăng cường thông qua việc tham mưu xây dựng nhiều cơ chế chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra. Tình hình ô nhiễm đã được kiểm soát và cải thiện. Công tác quản lý chất thải rắn đô thị đạt được nhiều kết quả nổi bật, tham mưu triển khai xã hội hóa một số công tác liên quan đến quản lý. Bên cạnh đó, các loại tài nguyên nước, khoáng sản được quản lý ngày càng chặt chẽ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả.
“Hôm nay, kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Sở TN&MT, chúng ta có quyền tự hào với những kết quả đã đạt được. Đó là sự chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; sự tận tâm, tận tụy đối với công việc quản lý đầy khó khăn, gian khổ. Những kết quả trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT đã đóng góp trực tiếp vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM” – Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng tự hào chia sẻ.
Xây dựng ngành TN&MT là động lực phát triển TP.HCM nhanh hơn, bền vững hơn
Với sự nỗ lực, đóng góp tích cực, hiệu quả trong suốt chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành TN&MT thành phố đã vinh dự và xứng đáng được Đảng và Nhà nước ghi nhận tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận, chúc mừng những nỗ lực, thành quả đã đạt được của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT TP.HCM thời gian qua.
Vui mừng với những thành tựu to lớn đã đạt được trong thời gian qua của ngành TN&MT TP.HCM, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng toàn ngành cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; xác định rõ những thách thức đối với công tác quản lý TN&MT trong thời gian tới của TP.HCM. Qua đó, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm của Sở TN&MT trong việc tham mưu cho UBND Thành phố về công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với yêu cầu của bối cảnh trong nước và quốc tế.
Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị ngành TN&MT TP.HCM kế thừa những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng phát triển 20 năm qua, phát huy truyền thống, tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo và hiệu quả trong thực thi công vụ để tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể.
Về công tác quản lý và sử dụng đất đai, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị TP.HCM sớm hoàn thành Quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của Thành phố. Quan tâm tập trung hoàn thiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của Thành phố, bảo đảm tính bền vững và phù hợp với nhu cầu phát triển. Quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực phải đảm bảo phù hợp với chiến lược quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia, thống nhất, chặt chẽ từ thành phố đến quận, huyện; Tăng cường kiểm soát và quản lý đất đai; cần tính toán quy hoạch theo không gian sử dụng đất, đảm bảo sự đồng bộ; bảo đảm liên kết vùng; cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương, phát huy các tiềm năng, lợi thế để huy động các nguồn lực cho phát triển; quy hoạch sử dụng đất cần tích hợp, gắn kết, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng, hiệu quả sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Thành phố cần tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo để có công cụ pháp lý tổ chức thực hiện đồng bộ. Ngành TN&MT TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai để tạo thuận lời cho người dân và doanh nghiệp đặc biệt trong công tác cấp Giấy chứng nhận, thực hiện các quyền của người sử dụng đất…
Về nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai và tài nguyên môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị cần xây dựng kế hoạch triển khai theo Chương trình chuyển đổi số của Thành phố, của Bộ TN&MT, trong đó xác định rõ về mục tiêu, phạm vi, tiến độ, nguồn lực, tổ chức thực hiện, kinh phí… trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó kết nối, tích hợp dữ liệu từ các nguồn của các cơ quan, CSDL dân cư, xây dựng, thuế.. đầy đủ, chính xác, cập nhật và chuẩn hóa theo các quy định. Tích hợp hệ thống thông tin/ CSDL: định hướng sử dụng Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu do Bộ TN&MT xây dựng tập trung thống nhất dùng chung và cung cấp triển khai sử dụng cho các địa phương đến cấp xã, phường kết nối với các CSDL quốc gia cho công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, hệ thống CSDL đất đai thành phố cần đáp ứng khả năng lưu trữ và quản lý lượng lớn dữ liệu, tính nhất quán và đặc biệt phải bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Ngoài ra phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến thường xuyên, hàng ngày, là cơ sở để dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tăng cường minh bạch, công khai.
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhấn mạnh lĩnh vực môi trường là một trong 3 trụ cột của của phát triển bền vững, vì vậy để đưa TP.HCM trở thành đầu tàu về phát triển kinh tế của đất nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Sở TN&MT tham mưu cho Thành phố quan tâm hơn nữa về lĩnh vực BVMT. Trong phương án quy hoạch phát triển thành phố cần gắn kết giữa quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật về BVMT. Trong đó tập trung nguồn lực đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và có khả năng đáp ứng thu hồi năng lượng.
Đảm bảo đến năm 2025 giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung, xử lý được toàn bộ nước thải sinh hoạt đô thị đảm bảo các điều kiện kỹ thuật trước khi thải ra môi trường; quan tâm các giải pháp kiểm soát chất lượng không khí đô thị, kiểm soát chặt các nguồn thải công nghiệp, giao thông, xây dựng; Có chính sách bảo vệ các dòng sông, kênh rạch; bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học đặc biệt là những khu như dự trữ sinh quyển Cần Giờ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính…
Để ứng phó với BĐKH, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu Sở TN&MT TP.HCM cần chủ động tích cực tham mưu cho Thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả và tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, xây dựng triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris, kế hoạch xây dựng thành phố xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, phối hợp với Bộ TN&MT để tham gia tỷ lệ đóng góp giảm phát thải cho mục tiêu quốc gia cao nhất; Triển khai các dự án tạo hiệu quả trong tín chỉ carbon là cơ sở để thành phố tham gia thực hiện tuyên bố JETP và tham gia phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Chủ động xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH; Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng…
Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh TP.HCM cần đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ nguồn nước cấp sinh hoạt cho nhà máy nước phục vụ thành phố. Kiểm soát chặt chẽ việc vận hành hồ chứa; Tăng cường đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt kết hợp với cải tạo, phục hồi các hồ ao, kênh mương ở các đô thị lớn. Thực hiện các dự án xử lý nước thải, khôi phục lại các đoạn sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng như sông kênh Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hũ – Bến Nghé, rạch Xuyên Tâm…;
Lập, quản lý hành lang nguồn nước quan trọng trên địa bàn thành phố, rà soát, kiểm soát việc lấn chiếm hành lang, bảo vệ các nguồn nước quan trọng trên địa bàn, tuyệt đối không được san lấp, lấn chiếm kênh rạch ảnh hưởng không gian thoát lũ an toàn cho thành phố. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước ngầm, nhằm giảm tốc độ sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình. Nhất là các khu vực đang có mức độ lún nhanh như các khu vực ở huyện Bình Chánh; Quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức.
Cuối cùng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo Sở TN&MT TP.HCM cần tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, có bản lĩnh, tư duy đột phá, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu; thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành hiệu quả với phương châm sáng tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực nhạy cảm về tài nguyên và môi trường; chủ động, tích cực phát huy giao lưu, hợp tác với các tổ chức quốc tế, đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm, khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản trị tài nguyên và môi trường phục vụ sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.
Để tạo điều kiện cho ngành TN&MT TP.HCM hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân TP.HCM tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực tương xứng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường là động lực phát triển Thành phố nhanh hơn, bền vững hơn.
Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường tin tưởng rằng, ngành TN&MT TP.HCM sẽ khắc phục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thành ủy, UBND Thành phố giao phó, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM, là địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước.
Xây dựng hình ảnh cán bộ ngành TN&MT TP.HCM thân thiện, chuyên nghiệp
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo TP.HCM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã biểu dương những nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT thành phố qua các thời kỳ; chúc mừng những thành tích của Ngành đã đạt được trong 20 năm qua, góp phần vào những thành quả chung trong xây dựng và phát triển TP.HCM.
“Có thể nói, ở mỗi giai đoạn với yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố, Sở TN&MT đã làm tốt công tác tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố trong việc triển khai, phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nhằm cụ thể hóa các quy định về lĩnh vực quản lý” – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TP.HCM đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của thành phố đã tạo sức ép rất lớn về nhu cầu sử dụng tài nguyên và xử lý ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành TN&MT trong thời gian tới là hết sức nặng nề.
Vì vậy, ngành TN&MT cần tiếp tục phát huy, kế thừa những thành tích, kết quả, kinh nghiệm đã tích lũy, nhất là truyền thống đoàn kết nội bộ, tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái trong công việc và cuộc sống mà các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT thành phố đã dày công vun đắp.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp thu đầy đủ những ý kiến mang tính định hướng rất quan trọng của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đối với TP.HCM trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT và các cơ quan liên quan triển khai ngay các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tin tưởng rằng Sở TN&MT TP.HCM luôn hoàn thành được nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của mình, đồng thời xây dựng hình ảnh công chức, viên chức ngành TN&MT TP.HCM thân thiện, chuyên nghiệp, không tiêu cực.