Chính phủ Singapore đang áp dụng mọi biện pháp để giúp đảo rác Pulau Semakau xinh đẹp tồn tại lâu hơn sau năm 2035.
Du khách ghé thăm hòn đảo chứa bãi rác duy nhất của Singapore có thể rất ngạc nhiên bởi thay vì mùi hôi thối và những đàn ruồi nhặng, chào đón họ là nước biển xanh ngút, cây cối tươi tốt và động vật hoang dã phong phú. Pulau Semakau, đảo rác thân thiện với môi trường của quốc đảo khan hiếm đất là nơi tập trung tro từ lò đốt rác thải của gần 6 triệu người. Chỉ còn hơn một thập kỷ trước khi bãi rác bị đầy theo dự kiến, chính phủ Singapore đang gấp rút chạy đua với thời gian để kéo dài thời gian hoạt động của đảo rác vốn thơ mộng đến mức được mệnh danh là “Bãi rác Thiên đường”, AFP hôm 28/7 đưa tin.
“Đây là bãi rác duy nhất ở Singapore, do diện tích nhỏ và cạnh tranh về nhu cầu sử dụng đất, rất khó tìm kiếm địa điểm khác, Desmond Lee, quản lý bãi rác ở Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA), đơn vị quản lý hòn đảo, cho biết. “Việc cấp bách với chúng tôi hiện nay là tiếp tục sử dụng bãi rác lâu hết mức có thể, và kéo dài thời gian hoạt động xa hơn năm 2035 nếu được”.
Singapore thải ra 7,4 triệu tấn rác năm ngoái, trong đó 4,2 triệu tấn (57%) được tái chế. Rác thải nhựa vẫn là vấn đề dai dẳng đối với nỗ lực xử lý rác của quốc đảo này với chỉ 6% lượng rác được tái chế năm ngoái. Thức ăn thừa với tỷ lệ tái chế là 18% cũng là một vấn đề lớn. Tổ chức môi trường Hòa bình xanh từng chỉ trích Singapore sản sinh lượng rác lớn bằng kích thước cả nước.
Năm 2019, chính phủ Singapore phát động chiến dịch “không thải rác” nhằm tăng cường tỷ lệ rác tái chế lên 70% và cắt giảm 30% lượng rác đổ ra Semakau trước khi kết thúc thập kỷ. Với kích thước tương đương thành phố New York, Singapore quản lý cẩn thận tốc độ phát triển nhanh trong những thập kỷ gần đây để tránh các vấn đề mà những siêu đô thị khác ở châu Á đang đối mặt như quá tải dân số và rác thải.
Chính phủ Singapore xây dựng bãi rác ngoài khơi sau khi một điểm đổ rác trong đất liền hết chỗ trống vào đầu thập niên 1990. Các kỹ sư nối đảo Semakau, nơi cư dân đã tái định cư trên đất liền trước đó, với đảo Pulau Sakeng ở lân cận. Họ xây dựng con đê vành đai dài 7 km bao quanh một phần vùng biển giữa hai đảo, tạo ra bãi trống để đổ rác. Bãi rác bắt đầu hoạt động năm 1999.
Với dân số tăng trưởng ổn định, nhà chức trách Singapore buộc phải triển khai giải pháp tiết kiệm diện tích. Những lò đốt rác được sử dụng nhằm đốt rác thải không thể tái chế, sau đó vận chuyển tro tới Semakau bằng sà lan phủ kín. Nhưng hoạt động đốt rác vấp phải chỉ trích của các tổ chức bảo vệ môi trường do gây ô nhiễm.
“Quá trình dẫn tới ô nhiễm ở từng giai đoạn, từ vận chuyển rác tới quản lý khí thải và cặn dư”, Abigail Aguilar, nhà vận động của tổ chức Hòa bình xanh ở Đông Nam Á, cho biết. “Dù đẹp đẽ về mặt thẩm mỹ, bãi rác vẫn chứa rác thải có nguy cơ rò rỉ”.
Theo NEA, các nhà máy đốt rác của họ trang bị hệ thống xử lý làm sạch khí gas trước khi xả vào khí quyển. Bãi rác được phủ màng chống thẩm thấu và đất sét để giữ mọi vật liệu ô nhiễm bên trong khu vực. Ngoài ra, nước được kiểm tra đều đặn nhằm phát hiện nguy cơ rò rỉ. Đảo rác có thể được sử dụng cho nhiều kế hoạch khác như xây dựng nhà máy điện Mặt Trời và biến tro từ bãi rác thành vật liệu làm đường.
Sau khi sà lan cập bờ Semakau, xe ủi đất chất tro đốt rác lên những xe tải màu vàng khổng lồ cho hành trình tới bãi rác được chia thành nhiều khu. Khi mỗi hố đất được lấp đầy dần dần qua nhiều năm, khu vực có đất bao phủ tạo điều kiện cho thực vật tự nhiên phát triển. Nhà chức trách cũng trồng những rừng đước để hòn đảo trở nên xanh tươi và thu hút động vật hoang dã.
An Khang (Theo AFP)