Với phương châm giám sát mở rộng để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm từ sớm, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm, tại Quảng Ninh thời gian qua từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nghiêm các chương trình kiểm tra, giám sát. Trong đó, chú trọng giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề để chủ động nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đúng đối tượng.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… cấp ủy các cấp trong tỉnh chú trong phân công các đồng chí ủy viên phụ trách địa bàn, đơn vị, để nắm tình hình, kịp thời cảnh báo, uốn nắn những thiếu sót, khuyết điểm.
Cán bộ được phân công theo dõi địa bàn thường xuyên dự sinh hoạt với tổ chức đảng cấp dưới để nắm tình hình, cũng như kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp, nảy sinh. Ủy ban kiểm tra các cấp cũng chủ động giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và cấp ủy địa phương, đơn vị, qua đó kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Đồng thời, tập trung khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và theo chỉ đạo mới của cơ quan có thẩm quyền cấp trên.
Trong năm 2022, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai và hoàn thành 8 cuộc kiểm tra, trong đó có 2 cuộc kiểm tra của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh liên quan đến cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và UBND một số địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo và cuộc kiểm tra đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công.
Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy hoàn thành 26 cuộc kiểm tra, giám sát đối với tổ chức Đảng và đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là trong thực hiện các quy định công khai, minh bạch về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, xác định giá đất, đấu thầu mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, tài sản công, đầu tư công, tổ chức cán bộ…
Cùng với đó, Thanh tra tỉnh, thanh tra các huyên, thị xã, thành phố triển khai 135 cuộc thanh tra, đã ban hành kết luận 106 cuộc thanh tra. Qua đó, thu hồi về NSNN 23,7 tỷ đồng. Thanh tra các sở cũng thành lập 472 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện và xử phạt hành chính đối với 2.269 cá nhân, tổ chức, với số tiền phạt vi phạm 11,2 tỷ đồng.
Tỉnh cũng kết hợp chặt chẽ giữa các khâu trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, sai phạm, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp chính quyền, các cơ quan có liên quan và luôn chú trọng tiến hành đồng bộ, thực chất. Đồng thời, lấy việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… là một trong những giải pháp quan trọng xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát năm 2023, hiện ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh chủ động tham mưu cấp ủy tổ chức quán triệt, triển khai các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát; tham mưu đồng bộ sử dụng kết quả sau kiểm tra, giám sát, thanh tra; kịp thời triển khai một số cuộc kiểm tra đột xuất, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, chủ động theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2023; tham mưu triển khai các cuộc kiểm tra của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đối với một số đảng bộ trực thuộc; tăng cường theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là về đất đai, khoáng sản, đầu tư công…
Trong Chỉ thị số 02/CT-UBND (ngày 8/3/2023) của UBND tỉnh về thực hiện hiệu quả, thực chất công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính cũng chỉ rõ yêu cầu đối với công tác thanh tra. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý trên các lĩnh vực, đảm bảo phục- vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp; các quyết định, kiến nghị xử lý sau thanh tra đảm bảo các đối tượng được thanh tra thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra.
Cùng với đó, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm giải trình của CBCCVC; thực hiện tốt công tác cán bộ, rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí cán bộ để tăng cường củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các đơn vị trọng yếu đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng…
Để tiếp tục phòng ngừa vi phạm, sai phạm, tỉnh chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó quan tâm đổi mới về tiêu chuẩn cán bộ, công khai hóa, minh bạch và dân chủ trong đánh giá, lựa chọn cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ chính trị nội bộ; đề cao tính khoa học, dân chủ, đúng pháp luật và quy định của Đảng trong sử dụng cán bộ “đúng người, đúng việc”, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, không để xảy ra có đơn thư hay dư luận bức xúc trong công tác cán bộ…