29/07/2023 06:03
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản, kiểm tra rừng; thực hiện tốt công tác phối hợp với các tỉnh giáp ranh trong nước và nước bạn trong quản lý, bảo vệ rừng (QL&BVR); phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm nhằm răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về QL&BVR.
Tỉnh Kon Tum có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 780.474,59ha; diện tích đất có rừng 609.968,95ha (rừng tự nhiên 547.603,50ha; rừng trồng 62.365,45ha); trong đó rừng đặc dụng 89.058,68ha, rừng phòng hộ 159.364,72ha, rừng sản xuất 376.236,54ha; diện tích chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là 170.505,64ha. Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay cơ bản hoàn thành việc phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa đến đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các tổ chức trước đây, hiện nay đã được đóng mốc phân định ranh giới trên thực địa. Đến nay, toàn bộ diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Diện tích rừng tự nhiên còn lại do UBND cấp xã quản lý phân bố manh mún, nằm xen kẽ với các diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nương rẫy, chưa thực hiện việc đóng mốc phân định ranh giới ngoài thực địa. Công tác bàn giao diện tích rừng do UBND cấp xã đang tạm quản lý về cho các đơn vị chủ rừng theo Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 của UBND tỉnh, tổng diện tích rà soát bàn giao là 28.838,27ha. Đến nay, đã thực hiện bàn giao 20.155,42ha, chiếm tỷ lệ 70%; diện tích hiện chưa bàn giao 8.682,85ha, chiếm tỷ lệ 30%.
|
Từ năm 2019 đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án phát triển kinh tế- xã hội liên quan đến việc cho thuê rừng, tổng diện tích đã cho thuê 71,09ha. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về giá cho thuê rừng nên đến nay các dự án có cho thuê rừng này đã được UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư và đưa phần diện tích rừng cho thuê ra khỏi phạm vi thực hiện Dự án.
Từ năm 2019 đến tháng 3/2023, các ngành chức năng đã xác định và xử lý được 138 lượt điểm nóng về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát, nắm chắc thông tin các đối tượng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, kiểm tra, xác minh và xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, năm 2019 phát hiện và xử lý 87 điểm nóng; năm 2020 phát hiện và xử lý 45 điểm nóng; năm 2021-2022 phát hiện và xử lý 6 điểm nóng.
Thời gian qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát, sắp xếp, kiện toàn và duy trì hoạt động các chốt, trạm bảo vệ rừng tại các vị trí, khu vực xung yếu, tuyến giao thông, các khu vực trọng điểm. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 173 chốt, trạm; trong đó UBND huyện thành lập, duy trì 12 chốt liên ngành, các đơn vị chủ rừng duy trì 78 chốt và 83 trạm. Từ năm 2019 đến tháng 3/2023, tổng số vụ vi phạm đã được xử lý trong lĩnh vực lâm nghiệp là 1.022 vụ với diện tích thiệt hại 117,08ha; trong đó xử lý hành chính 929 vụ với diện tích 106,49 ha, xử lý hình sự 93 vụ với diện tích 10,59ha.
|
Để nâng cao hiệu quả công tác QL&BVR, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc kiểm kê rừng năm 2024 chặt chẽ, đồng bộ. Trong đó, tiến hành giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua, đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu về đất lâm nghiệp tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xác định rõ cơ quan, đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính; cơ quan, đơn vị phối hợp trên từng địa bàn, khu vực quản lý. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò, quyền và nghĩa vụ các chủ rừng, thực hiện việc thu hồi rừng theo quy định pháp luật, nhất là đối với các chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể đối với công tác QL&BVR cũng cần quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả; thường xuyên phát động phong trào toàn dân tham gia QL&BVR và tố giác các hành vi vi phạm; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành trong công tác phối hợp, điều tra, truy tố, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp đã được phát hiện; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện khắc phục hậu quả đối với các diện tích buộc trồng lại rừng theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm cấp thẩm quyền đã ban hành; thực hiện nghiệm thu đối với các diện tích trồng lại theo đúng quy trình lâm sinh.
Thảo Nguyên