Tài Phạm đã đi gần một vòng Đài Loan trong 6 ngày để khám phá cảnh sắc của hòn đảo này.
Kế hoạch ban đầu của Tài, một blogger du lịch, là chinh phục Ngọc Sơn (3.952 m), ngọn núi cao nhất Đài Loan. Tuy nhiên, anh sau đó thay đổi lịch trình với mục tiêu đi một vòng Đài Loan. “Tôi muốn nhìn từ những nơi giản dị, hoang sơ nhất đến phố phường tấp nập, xem Đài Loan khác gì với Việt Nam”, Tài nói.
Hành trình 6 ngày khám phá Đài Loan (24 – 29/6) của Tài bắt đầu từ Đài Nam, đi qua Cao Hùng, Bình Đông, Đài Đông, Hoa Liên, Đài Trung và kết thúc ở Đài Bắc. Tổng quãng đường dài gần 1.000 km.
Ở địa điểm đầu tiên, Đài Nam thể hiện rõ sự nhộn nhịp của chốn thành thị với những khu phố sầm uất, những chiếc tàu cao tốc phóng vụt qua. Với Cao Hùng là cảnh thành phố lên đèn lung linh khi nhìn từ đỉnh núi Dagang Shan.
Đài Đông lại như một vùng quê yên bình với những cánh đồng lúa, hàng cây ven đường, bãi biển hoang sơ. Tại Đài Trung, anh ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Đài Loan để chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật được trưng bày ở khuôn viên và trong bảo tàng. Làng Cầu Vồng là địa điểm du lịch nổi tiếng ở trung tâm thành phố Đài Trung. Ngôi làng được một cựu quân nhân trang trí bằng những hình vẽ rực rỡ sắc màu trên tường, thu hút hơn 2 triệu khách mỗi năm trước đại dịch Covid – 19, theo CNN.
Hoa Liên là nơi Tài yêu thích nhất bởi vẻ đẹp dịu dàng và bầu không khí trong lành, mát mẻ hơn so với các tỉnh khác. Tại đây Tài đến công viên quốc gia Thái Lỗ Các để chiêm ngưỡng hẻm núi Taroko và dòng sông Liwu màu xanh ngọc uốn lượn chảy qua những tảng đá cẩm thạch khổng lồ. Đèo Hehuan (ở độ cao 3416 m) đối với Tài là “đoạn đường vô thực” có khung cảnh ảo diệu khi từng tầng mây trắng cuồn cuộn đổ xuống nhưng vẫn để lại một khoảng trống của con đường để chạy qua.
Hoa Liên còn có bãi biển Thất Tinh Đàm (Qixingtan) với bãi sỏi nhiều màu sắc và kích cỡ, biển xanh, gió lộng và nắng vàng. Khung cảnh yên bình nơi đây thích hợp để đi dạo, ngắm bình minh và hoàng hôn.
Điểm cuối của hành trình, Đài Bắc là thành phố lớn và phát triển nhất của Đài Loan. Đài Bắc hoa lệ và tấp nập, với nhịp sống hiện đại. Tài chọn đến Cơ Long, một thành phố nằm ven biển, có cảng cá Zhengbin với những ngôi nhà nhiều màu sắc cùng công viên Đảo Hòa Bình, nơi có những tảng đá bị xói mòn do nước biển tạo thành hình thù lạ mắt và một mái đình nhỏ.
Làng cổ Cửu Phần là một ngôi làng nhỏ lâu đời tọa lạc trên núi Cơ Long, là “Vùng đất linh hồn” (phim hoạt hình nổi tiếng của hãng Ghibli, Nhật Bản) ngoài đời thực. “Ngôi làng mang nét đẹp cổ kính, có phần giống phố cổ Hội An với những chiếc đèn lồng được treo khắp nơi. Cảnh hoàng hôn buông xuống, những ngôi nhà nằm trên sườn núi chìm trong ánh nắng vàng ruộm của buổi chiều tà như món quà cuối cùng của chuyến đi”, Tài nói.
Ngoài trải nghiệm ngắm cảnh, Tài cũng không bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức những món ẩm thực đường phố tại các chợ địa phương. Đài Nam, Đài Trung hay Hoa Liên đều có những món ăn khác nhau như thịt nướng, há cảo, trứng hấp, trứng cá hồi, nhưng hầu như nơi nào cũng có trà sữa và đậu phụ thối. Giá cả dao động khoảng 50 – 100 Đài tệ tùy món, không quá đắt theo đánh giá của anh.
Đi cùng Tài những ngày đầu, Thảo Nhi, đang sống và làm việc tại Đài Loan cảm thấy bất ngờ vì không biết Đài Loan có những nơi như vậy.
“Đã lâu rồi tôi mới có cảm giác đi du lịch thực sự khi được trải nghiệm, được nhìn ngắm và tận hưởng, vẫy vùng giữa thiên nhiên và thưởng thức đồ ăn ngon”, Nhi nói.
Theo Tài, khung cảnh thiên nhiên của Việt Nam “vẫn nhỉnh hơn” so với Đài Loan. Nhưng đổi lại, cuộc sống về đêm ở đây sôi động hơn với những hàng quán, chợ đêm, những con phố tấp nập người qua lại dù đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Hệ thống giao thông ở Đài Loan hiện đại, giúp tiết kiệm thời gian. Theo kinh nghiệm của anh, khi di chuyển sang tỉnh khác nên dùng tàu cao tốc, di chuyển trong tỉnh nên dùng xe buýt hoặc MRT, hạn chế sử dụng taxi vì giá thành khá cao.
Chuyến đi với mục đích chủ yếu là ngắm cảnh và trải nghiệm nên Tài tối giản chi phí bằng cách không ăn, ở những nơi đắt đỏ. Tổng chi phí chuyến đi hết gần 16 triệu đồng, trong đó 4 triệu tiền vé máy bay khứ hồi (TP HCM – Đài Bắc), 2 triệu tiền phòng, 4 triệu tiền di chuyển, còn lại là tiền ăn và các chi phí khác.
Thảo Nhi cho biết từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa hè ở Đài Loan nên nhiệt độ dao động trong khoảng 35 độ C, trời nắng nóng nhưng không quá gắt, thường có mưa. Cao điểm du lịch Đài Loan rơi vào mùa xuân, tháng 2 – 4 và mùa thu, tháng 9 – 11. Nếu đi vào thời điểm này, du khách nên làm thủ tục xin visa và đặt vé, đặt phòng sớm.
Hiện Đài Loan có chương trình rút thăm may mắn tại sân bay cho những du khách đăng ký trên website từ một đến 7 ngày trước khi nhập cảnh. Phần thưởng cho người trúng giải là 5000 Đài tệ (khoảng 3,8 triệu đồng). Hoạt động chỉ áp dụng tại các sân bay Đào Viên, Tùng Sơn (Đài Bắc), Đài Trung và Cao Hùng, theo trang web Cục Du lịch Đài Loan tại Việt Nam.
Quỳnh Mai
Ảnh: Tài Phạm