Thấy “lạ” nên mua sắm nhiều ?
Niên giám thống kê 2022 của Tổng cục Thống kê cho biết chi tiêu bình quân tính trên một lượt khách Philippines khi tới VN là 2.257,8 USD, dẫn đầu 10 thị trường khách quốc tế có mức chi tiêu nhiều nhất năm 2019. Nếu so với mức chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế đến VN (1.151,7 USD) thì khách Philippines xài nhiều gấp 2 lần. Đây là kết quả khá bất ngờ bởi ngay cả trong giai đoạn hoàng kim của du lịch VN trước dịch Covid-19, Philippines cũng chưa bao giờ được xem là thị trường tiềm năng vì số lượng khách đến khá khiêm tốn.
Trong 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến VN hồi năm 2017, chỉ có 133.543 lượt khách đến từ Philippines. 8 tháng đầu năm 2018, số lượng du khách nước này đến VN tuy tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 96.893 lượt khách nhưng vẫn còn rất nhỏ so với lượng khách ASEAN nói chung đến VN, cũng như lượng khách Philippines đi du lịch nước ngoài. Đáng chú ý, danh sách 10 quốc gia là điểm đến hàng đầu của khách Philippines (bao gồm cả lượng khách và mức chi tiêu) do Bộ Du lịch nước này công bố năm 2019 cũng vắng bóng VN. Trước dịch, người Philippines chi hơn 8,2 tỉ USD cho các hoạt động xuất ngoại du lịch, tương đương người Việt, nhưng những quốc gia được hưởng lợi hàng đầu là Hàn Quốc (đón gần 2 triệu lượt khách Philippines). Nhật Bản đứng thứ 2 trong nhóm điểm đến người Philippines chi tiêu nhiều nhất với 682.788 lượt khách từ quốc đảo này. Mỹ đứng vị trí thứ ba với 611.791 lượt khách.
Như vậy, trong khi các thị trường lớn nhất của VN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan “đội sổ” bảng xếp hạng chi tiêu thì Philippines, thị trường gần như “không liên quan”, lại dẫn đầu.
Khá bất ngờ với kết quả trên bởi theo dõi ngành du lịch nhiều chục năm qua, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhận thấy rằng trung bình trên phạm vi quốc tế thì Mỹ và các nước Bắc Âu mới là nhóm khách chi tiêu lớn nhất. Thị trường Philippines lại còn khá mới mẻ với VN. Do đó, trước hết cần xem lại công tác điều tra, thống kê. Hoạt động này của ngành du lịch từ trước đến nay có nhiều vấn đề nên có thể dẫn tới những kết quả không chính xác. Thống kê phải theo một chuỗi dài, có mẫu đại diện đủ lớn mới đáng tin cậy. Nếu chỉ lấy trong một vài thời điểm hoặc tính trong phạm vi khá nhỏ thì có thể số liệu chưa chuẩn. Tuy nhiên, ông Phạm Trung Lương cũng không loại trừ khả năng do VN là điểm đến mới đối với Philippines nên thấy cái gì cũng mới, cũng lạ, cũng “khoái” nên sẽ chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm, ăn uống. Trong khi đó, các thị trường lớn, thị trường truyền thống đã quá quen thuộc rồi nên không còn nhiều thứ hấp dẫn họ tiêu xài nữa.
Có góc nhìn khác, ông T.H, giám đốc một công ty lữ hành tại TP.HCM, khẳng định Philippines là thị trường khách mới tiềm năng mà VN nên chú ý khai thác. “Chúng tôi vừa tổ chức một đoàn xúc tiến du lịch tại Philippines cách đây hơn 1 tháng và họ rất hào hứng khi nhìn thấy những tài nguyên du lịch của VN. Đúng là trước đây họ đi Mỹ, đi Hàn nhiều, nhưng giờ họ đã bắt đầu biết đến VN rồi. Bên Philippines mức sống rất đắt đỏ, chi phí sinh hoạt cao nên khi họ tới VN, họ thấy nhiều đồ lạ mà rẻ, họ thích. Người Philippines sẵn sàng chi nhiều tiền cho ẩm thực và mua đồ lưu niệm VN. Thống kê là chi tiêu bình quân trên đầu người nên tôi cho rằng số liệu đó là chính xác”, ông T.H nói.
“Chìa khóa” là sản phẩm và liên kết
Nhìn lại thống kê chi tiêu của khách du lịch khi tới VN, PGS-TS Phạm Trung Lương thở dài tiếc nuối khi mức chi tiêu cho mua sắm đang có xu hướng ngày càng giảm. Đây là sự lãng phí rất lớn bởi mua sắm là một trong những nhu cầu của du khách, đặc biệt là phụ nữ. Theo ông, câu chuyện làm sao “móc hầu bao” du khách đã được đặt ra từ hơn 1 thập niên trước, đặc biệt từ 2016, khi du khách đến VN tăng đột biến, song đáng buồn là câu trả lời đã có nhưng chưa đơn vị nào thực sự bắt tay vào thực hiện.
Cụ thể, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) trong ngành đã rất nhiều lần khẳng định VN cần có những điểm mua sắm tổ hợp, đa dạng về hàng hóa dịch vụ, cần xây dựng các khu phức hợp giải trí như casino, các khu mua sắm miễn thuế, rồi chính sách hoàn thuế thuận tiện cho du khách… nhưng đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý cho tất cả những sản phẩm trên. Khách Trung Quốc thích đánh bạc nên họ cần casino nhưng VN chưa có; khách Thái Lan, Hàn Quốc thích mua hàng hiệu nên họ cần các khu phi thuế quan, các khu factory outlet, VN cũng chưa có… Sản phẩm đơn điệu, không hợp “gu” của thị trường nên VN vẫn mãi ì ạch thuộc loại thị trường chi tiêu thấp.
Trong dây chuyền phát triển du lịch bền vững, các công ty lữ hành là mắt xích rất quan trọng nhưng hiện nay lại không được hưởng lợi gì dù khách đến nhiều. Rồi giá tour cao, khách than, lữ hành lại phải cắt mòn chi phí hoặc “đòi” hàng không, khách sạn giảm giá. Cứ như vậy, hệ sinh thái ngành du lịch sẽ kéo nhau “chết chìm” hết.
Một chuyên gia du lịch
“Sản phẩm du lịch vẫn phải là yếu tố quan trọng hàng đầu. Không có sản phẩm tốt thì có mở cửa đến mấy khách cũng không muốn đến, mà họ có đến thì cũng không tiêu xài. Thị trường mới chi tiêu nhiều vì lạ nhưng 1 – 2 lần mà không có gì mới thì họ cũng sẽ lại đóng hầu bao thôi. Khách đến đông, chi tiêu ít thì hệ lụy rất lớn, hao tổn tài nguyên du lịch nhưng người dân địa phương không được hưởng lợi. Sức mạnh lan tỏa tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch sẽ không còn hiệu lực”, PGS-TS Phạm Trung Lương cảnh báo.
Xót xa kể lại câu nói thậm xưng mà lãnh đạo các công ty du lịch thường truyền tai nhau “khách đến VN mang theo 5.000 USD thì khi về còn 4.999 USD”, một chuyên gia du lịch cám cảnh: “Người Việt đi đâu cũng xăm xăm đổi tiền rồi quẹt thẻ, mua vali to, đóng thùng nhỏ để đựng đồ mua về, “cống” tiền cho các nước; vậy mà khách đến VN không có chỗ để tiêu tiền. Đây phải gọi là nỗi đau của ngành du lịch mà nếu không nhanh chóng giải quyết, hậu quả để lại sẽ rất lớn”. Theo vị chuyên gia này, không chỉ cấp thiết “trám” ngay chỗ trống du lịch mua sắm bằng những tổ hợp vui chơi giải trí “không biết ngày hay đêm” như Marina Bay, Sentosa của Singapore hay Las Vegas (Mỹ), ngành du lịch còn cần xây dựng mô hình liên kết chuyên nghiệp để cùng nhau “bắt” khách phải tự nguyện rút ra những đồng cuối cùng trong túi.
Đơn cử như Thái Lan, họ có thể giảm giá tour xuống chỉ còn 500 USD/người là nhờ cách liên kết chặt chẽ từ cơ quan xây dựng chính sách tới các DN lữ hành, nhà hàng, khách sạn… Các hãng hàng không sẽ “bắt tay” với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế, các tổ hợp vui chơi giải trí. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại hoa hồng (khoảng 10%) cho DN lữ hành. Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang triển khai rất tốt mô hình này. Chương trình tour Hàn, Nhật, Thái… dù đến một tỉnh nhỏ cũng sẽ có lịch trình ghé vào các trung tâm mua sắm, cửa hàng miễn thuế. Công ty lữ hành rất hào hứng dẫn khách Việt đi bởi khách thật sự có nhu cầu mua sắm, còn DN thì lại được hưởng hoa hồng. Trong khi ở VN không có các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí lớn, không có chỗ đưa khách tới tiêu tiền nên công ty lữ hành cũng không mặn mà kéo khách quốc tế về.