Những năm gần đây, các địa phương ở Trung Quốc đưa vào vận hành và khai thác nhiều tuyến đường sắt liên vận kết nối với châu Âu, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên.
Container tại cảng đường sắt Hưng Long, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm |
Tỉnh Cát Lâm nằm ở miền đông bắc Trung Quốc, các hoạt động trao đổi thương mại hàng hóa phụ thuộc chủ yếu vào các cảng biển, cửa khẩu biên giới và cảng hàng không.
8 năm qua, kể từ khi mở tuyến đường sắt liên vận kết nối thành phố Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, với châu Âu, cơ hội giao thương với các nước châu Âu ngày càng rộng mở, tạo động lực mới để địa phương này phát triển sản xuất, mở cửa hợp tác đối ngoại.
Theo đại diện Cảng nội địa quốc tế Trường Xuân, trong 8 năm vận hành, khai thác, tuyến đường sắt liên vận kết nối với châu Âu đã vận chuyển tổng cộng 82.000 TEU hàng hóa trị giá 24 tỷ nhân dân tệ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng hàng hóa đạt 4.464 TEU, tăng 30% so cùng kỳ năm ngoái.
Tuyến đường sắt liên vận Trường Xuân-châu Âu xuất phát từ Cảng đường sắt Hưng Long, mang theo hàng hóa như ô-tô và phụ tùng ô-tô, sản phẩm công nghiệp, nhu yếu phẩm…, xuất cảnh qua cửa khẩu Mãn Châu Lý, sau đó di chuyển đến các nước châu Âu. Đây là tuyến đường sắt đầu tiên của tỉnh Cát Lâm kết nối với châu Âu; từ khi khai trương đến nay, luôn được vận hành với tần suất cao.
Các tuyến đường sắt liên vận không chỉ góp phần đưa hàng hóa Trung Quốc đến các nước châu Âu, mà còn nhập khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh của châu Âu, phân phối tại thị trường Trung Quốc. Đơn cử như, cùng với tuyến đường sắt Trường Xuân-châu Âu, một hệ thống kho ngoại quan, vận tải quốc tế đa phương thức, thương mại điện tử xuyên biên giới… được hình thành, đưa hàng chục nghìn mặt hàng của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có ô-tô, mỹ phẩm, đồ gia dụng, rượu vang, thực phẩm… của các nước châu Âu trưng bày, giới thiệu, phân phối đến tay người tiêu dùng địa phương.
Theo đánh giá, trong 10 năm qua, mạng lưới đường sắt liên vận Trung Quốc-châu Âu trở thành dự án nổi bật, mang tính biểu tượng trong hợp tác giữa hai bên, không chỉ góp phần giúp người dân các nước hưởng lợi từ sự phát triển của đường sắt, mà còn trở thành một tuyến đường quan trọng bảo đảm sự an toàn và ổn định của chuỗi cung ứng logistics quốc tế.
(Theo nhandan.com.vn)