Tháng 7, tháng của nghĩa cử cao đẹp, tri ân và tưởng niệm, biết ơn các Anh hùng Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do, hạnh phúc dân tộc. Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công (NCC) với cách mạng; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách.
Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh hỗ trợ xây mới nhà tình nghĩa cho gia đình ông Nguyễn Văn Tác, thương binh hạng 4/4 ở xã Hải Minh (Hải Hậu). |
Trải qua các cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Nam Định có trên 36 nghìn liệt sĩ; 2.902 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; trên 25 nghìn thương binh, 16 nghìn bệnh binh; trên 800 cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trên 200 nghìn người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, Bằng khen các loại.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể quần chúng và các tầng lớp nhân dân luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác thương binh – liệt sĩ, chăm sóc NCC: giải quyết chế độ chính sách ưu đãi cho các diện đối tượng NCC, nhất là việc xem xét, giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh, các diện đối tượng chính sách mới được sửa đổi, bổ sung. Phát động và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia chăm sóc đối tượng chính sách NCC.
Công tác chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm: hoạt động đưa, đón hài cốt liệt sĩ, tạo điều kiện cho các gia đình liệt sĩ đi thăm viếng mộ, di chuyển hài cốt liệt sĩ được thực hiện đúng chế độ quy định. Hiện toàn tỉnh có 213 nghĩa trang liệt sĩ, 9 đền thờ, đài tưởng niệm liệt sĩ. Hàng năm cùng với nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp và trích ngân sách địa phương thực hiện tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ với giá trị hàng chục tỷ đồng. Năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện xây dựng, tu sửa 66 công trình, tổng kinh phí là 36,8 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 32 công trình với kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Trong năm, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở cả 3 cấp đã thu được trên 9 tỷ đồng; toàn tỉnh có 191 nhà ở của NCC với cách mạng được xây mới, sửa chữa, nâng cấp; với tổng số tiền là trên 8,4 tỷ đồng. Tổ chức thăm hỏi, động viên, cấp phát quà tặng cho gần 59 nghìn người có công, thân nhân liệt sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-2022) với tổng số tiền là trên 135 tỷ đồng (trong đó: quà của Chủ tịch nước là trên 36,3 tỷ đồng; quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh là trên 59 tỷ đồng; quà của cấp huyện, xã và các tổ chức cá nhân là gần 40 tỷ đồng). Thăm hỏi, tặng quà các Trung tâm và thương binh, bệnh binh nặng của tỉnh Nam Định đang an dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng NCC ở tỉnh ngoài. Công tác giải quyết và quản lý, thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong những năm qua được tỉnh đặc biệt coi trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải quyết cho hơn 7.000 lượt NCC, thân nhân của NCC với cách mạng và các diện đối tượng liên quan được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Đến nay, tỉnh Nam Định không có hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách của NCC và thân nhân NCC đủ điều kiện theo văn bản đã quy định mà không được giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi.
Toàn huyện Ý Yên có trên 5.700 liệt sĩ, 5.719 thương, bệnh binh, hơn 500 Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng và truy tặng. Thời gian qua, huyện chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách và NCC bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Từ năm 2022 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện đã hỗ trợ cho 5 hộ xây dựng nhà mới và 14 hộ tu sửa nhà ở kiên cố, an toàn, với tổng kinh phí 880 triệu đồng. Nhiều xã, thị trấn trong huyện cũng đã vận động được các nguồn xã hội hóa để tu sửa, nâng cấp các công trình tại Nghĩa trang liệt sĩ địa phương như các xã: Yên Tân, Yên Nghĩa, Yên Đồng… Huyện Hải Hậu hiện có hơn 4.600 người đã anh dũng hy sinh, trên 2.000 người đã để lại chiến trường một phần xương máu, 399 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Để tri ân và ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ, mỗi năm Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp huyện huy động được trên 100 triệu đồng, cấp xã từ 15 đến 40 triệu đồng/xã. Huyện đã thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xây mới 211 nhà, sửa chữa 486 nhà, tổng cộng là 697 nhà với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ huyện Hải Hậu đã thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức đón nhận gần 120 hài cốt liệt sĩ ở trong và ngoài nước về an táng tại quê nhà trang trọng, đúng nghi lễ. Cùng với việc giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi NCC cho đối tượng còn tồn đọng, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, với mục tiêu nâng cao hơn nữa về đời sống cho gia đình chính sách NCC và đảm bảo 100% gia đình chính sách NCC của tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú.
Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Tích cực đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ, cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách NCC của tỉnh, kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước theo Quyết định số 715/QĐ-CTN ngày 19-6-2023; quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho gần 58.500 NCC và thân nhân liệt sĩ; tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực tại địa phương, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc NCC, thân nhân liệt sĩ. Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia, đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp để có điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với các gia đình chính sách NCC với cách mạng. Tập trung thực hiện việc tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ trong tỉnh và các hoạt động viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ… Giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC và thân nhân của NCC theo quy định. Chú trọng công tác xét duyệt hồ sơ công nhận, giải quyết chính sách đối với NCC theo quy định mới; tổ chức điều dưỡng chăm sóc sức khỏe NCC, thân nhân liệt sĩ tại các cơ sở điều dưỡng; giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho NCC./.
Bài và ảnh: Việt Thắng