“Tôi học cách chấp nhận số phận”
Ở tuổi gần 70, NSND Hoàng Cúc vẫn nhuộm tóc màu bạch kim, đi du lịch khắp nơi, làm thơ, chụp ảnh đăng face… Nhiều người đùa rằng, NSND Hoàng Cúc là “bà nội ăn chơi”?
– (Cười). Đúng là cuộc sống của tôi hiện giờ cũng khá đơn giản và thảnh thơi. Sáng sớm, tôi đi tập yoga, tối về ngồi thiền, khi có thời gian lại đi làm đẹp cho bản thân và du lịch nước ngoài.
13 năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, tôi đã học cách chấp nhận số phận. Có câu nói: “Dù ngày mai có là tận thế thì đêm nay sen vẫn gieo trồng”, nghĩa là, dù ngày mai không còn tồn tại thì hôm nay tôi vẫn phải sống vui vẻ và thoải mái.
Hiện tại, tôi cũng tham gia chương trình “Nuôi em trên miền ngược”, nhằm hỗ trợ các trẻ em vùng khó khăn, không có gạo để ăn và không được đi học.
Tôi rất cảm ơn một thành viên của ban nhạc Bức tường đã đứng ra tổ chức sự kiện này. Dù không phải việc gì quá to tát nhưng tôi sẽ cố gắng nuôi các em đến năm 18 tuổi, khi các em đều có việc làm và thoát nghèo.
Trong hành trình hơn 10 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, có khi nào bà cảm thấy thất vọng và muốn gục ngã?
– Thật may mắn vì khi ấy, tôi giữ suy nghĩ rằng mình còn quá nhiều việc phải làm. Con người khi thất vọng về ai đó sẽ dùng lý trí để xóa đi, nhưng khi yêu sẽ dùng cả trái tim và lý trí.
Vì yêu cuộc sống này nên tôi phải dùng trái tim cùng lý trí để chiến thắng căn bệnh ấy và luôn nghĩ rằng, mình không được gục ngã. Bác sĩ nói rằng, tôi chỉ có thể sống được 3 năm nữa, nhưng hiện giờ, tôi đã sống được thêm 13 năm. Giai đoạn này, tôi đi chùa chiền, miếu mạo, làm từ thiện để quên đi sự đau đớn.
Sau khi đi qua tất cả những ngả thương đau ấy, tôi nhận ra rằng, mình muốn tồn tại để làm được nhiều việc nữa giúp cho bản thân, gia đình và xã hội. Lúc bấy giờ, tôi ngộ ra một điều, trên cõi đời này không ai là người được tất cả.
Ai cũng sẽ phải trải qua những kiếp nạn và chính nó sẽ tạo động lực để chúng ta sống mạnh mẽ hơn. Trải qua sự sống và cái chết, con người có những cái nhìn thiện lương, hoan hỉ hơn.
Bà có nghĩ đọc sách, làm thơ đã giúp mình chống chọi lại căn bệnh ung thư quái ác?
– Cũng còn nhiều thứ khác chứ không phải chỉ riêng làm thơ, đọc sách. Bởi cuộc sống có rất nhiều khát vọng cuốn con người ta đi.
Bà từng chia sẻ rằng: “Đi qua những bất hạnh, bây giờ, tôi cũng chẳng sợ cái chết nữa”…
– Đúng vậy. Trong một cuốn tiểu thuyết tôi từng đọc có câu “trông chết cười ngạo nghễ”, cho nên tôi xem cái chết không có gì đáng sợ.
Hiện tại, tôi chỉ “nằm lặng lẽ ngắm trăng rơi” thôi! Như đã nói, dù ngày mai tôi có mất thì hôm nay tôi vẫn sống thanh thản. Tôi đã đi qua tất cả và thấy rằng đây chỉ là cõi tạm. Chỉ khi nào cảm thấy còn điều gì khiến mình canh cánh thì tôi mới nuối tiếc một chút.
Vậy điều gì làm bà nuối tiếc?
– Nếu nói ra thì vô cùng lắm. Tôi chỉ nghĩ rằng, khi nào sắp ra đi thì tôi mới có thể nói ra điều mình vẫn canh cánh. Còn hiện tại, tôi nghĩ rằng tuổi thọ của mình vẫn còn dài (cười).
“Thơ văn là mượn niềm vui của người khác thành niềm vui của mình”
Nhiều người ấn tượng NSND Hoàng Cúc ở tài văn chương. Bà có thể chia sẻ thêm về niềm đam mê này của mình? Bà bắt đầu viết văn, làm thơ từ khi nào?
– Thực ra, chuyện này cũng khá dài, bởi cuộc đời con người là một cuốn tiểu thuyết với đủ số phận và những cung bậc cảm xúc.
Người nghệ sĩ cũng vậy, cũng phải nếm trải đủ cay đắng của cuộc đời. Ở thời đỉnh cao nhất của tôi cũng là lúc nghệ sĩ rất nghèo, chỉ mong làm sao ngày đi diễn, tối về với gia đình, thấy con cái khỏe mạnh là vui rồi.
Rồi đến một ngày, kinh tế thị trường xuất hiện khiến sân khấu “hẻo” khán giả. Đó là một bi kịch quá lớn đối với sân khấu, và người nghệ sĩ lúc ấy cũng giống như người công nhân – khi nhà máy không có gì để sản xuất, họ thất nghiệp và buộc lòng phải ra ngoài kiếm sống.
Lúc tôi nghèo nhất là lúc sân khấu ảm đạm, và tôi đã có ý định chuyển nghề, muốn sang báo Phụ nữ hoặc Tuổi trẻ vì lương cao nên đi học trường viết văn Nguyễn Du.
Tôi luôn nghĩ làm thơ là phải đi học nhưng may mắn tôi lại có thể viết được những dòng thơ theo cảm xúc tự nhiên của mình.
Cuối cùng tôi thấy may mắn vì không bỏ nghiệp diễn và không bỏ làm thơ.
Được tiếp cận sách và văn chương từ khi còn nhỏ, cuốn sách nào khiến bà cảm thấy thay đổi tư duy của mình?
– Có rất nhiều cuốn, ví dụ như văn học Việt Nam từ thời Nhất Linh, Khái Hưng hay Tự Lực văn đoàn. Tôi nhớ hồi đó phải đi thuê sách từ một bà cô không chồng, đến thuê sách phải nhìn trước nhìn sau, mà mỗi cuốn chỉ mấy xu, mấy hào.
Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với cuốn tiểu thuyết Gánh hàng hoa của hai người bạn Nhất Linh – Khái Hưng. Ngoài ra, tôi cũng đọc cuốn Miếng da lừa của nhà văn Balzac. Trong đó, con người có ba điều ước và khi đến điều ước thứ tư thì miếng da lừa sẽ bị co lại và những điều ước kia sẽ biến mất. Cuốn sách nói về lòng tham của con người là vô đáy.
Bà có thần tượng tác giả nào?
– Tôi không thần tượng một tác giả nào nhưng vẫn có những nhà thơ khiến bản thân bị lay động. Khi còn bé, tôi có đọc một số bài thơ lãng mạn của tác giả Lamartine. Hồi trẻ, tôi đã rất yêu thích giọng thơ của ông Puskin.
Nhà thơ trong nước thì tôi thích Chế Lan Viên với Điêu tàn. Lúc đọc bài thơ, tôi còn rất nhỏ nhưng đã cảm nhận được đây là một bài thơ hay. Tôi thích lối thơ ẩn dụ, so sánh thì linh hồn mình mới được thỏa mãn.
NSND Hoàng Cúc có nhắc tới những năm tháng nghèo khổ của đời nghệ sĩ thời ấy. Bà có thể kể nhiều hơn?
– Thời của chúng tôi, các nghệ sĩ miền Bắc gọi là thời nghệ sĩ bao cấp. Có những vở diễn phải nhận cả 4 vai như trong vở Em đẹp dần lên trong mắt anh. Người nghệ sĩ nghèo đến độ một đêm diễn không đủ tiền ăn một bát phở. Tôi đảm nhận cả 4 vai diễn nhưng diễn xong không thở nổi nữa.
Chính vì cát-xê một đêm diễn không đủ tiền ăn bát phở, lương không đủ để nuôi con… nên trong cái khó ló cái khôn.
Mới đầu, ai mời làm truyền hình tôi đều nhận hết. Đóng phim thời đó phải trốn. Đến mức Đoàn trưởng Đoàn Kịch Hà Nội phải cho người ra canh ở cửa. Nếu thấy người của đoàn phim bên Thụy Khuê (Hãng Phim truyện Việt Nam) đến thì chắc chắn chỉ có tìm Hoàng Cúc. Chính vì chuyện này mà tôi từng bị kỷ luật.
Để vượt qua khó khăn, những người ở Đoàn Kịch Hà Nội thời bấy giờ phải đi làm rất nhiều nghề như: anh Hoàng Dũng đi bán quần áo trẻ con ở phố Hàng Đường, chị Minh Vượng đi bán giày dép, chị Kim Xuyến mở tiệm áo cưới, anh Tiến Đạt bán comple…
Khi đi dự Liên hoan Phim Kiếp phù du ở Pháp, tôi ở khách sạn gần Trung tâm Paris – đúng con đường có rất nhiều cửa tiệm áo cưới và tôi đã mê mẩn hình ảnh đấy. Tôi hy vọng mình sẽ có một chuỗi cửa hàng như vậy ở Việt Nam.
Lúc đó, tôi dồn hết số tiền đi diễn để mở tiệm áo cưới. Không biết có phải vì người ta thương nghệ sĩ không mà đến mua rất đông. Ngay năm đầu tiên bán quần áo cưới, tiền lãi đã đủ tôi mua được một xe dream Thái. Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ nghề diễn. Nghề diễn với tôi là nghiệp, là sứ mệnh.
Hiện tại, ở trong tâm thế này, dù có kể khổ nhưng tôi vẫn cảm thấy tự hào, bồi hồi và viên mãn.
Dường như có một Hoàng Cúc dịu dàng, đằm thắm bên ngoài và một Hoàng Cúc gai góc, giằng xé nội tâm trong những vần thơ bà viết ra. Đâu mới là NSND Hoàng Cúc thật đây?
– Thơ văn là mượn nỗi đau của người khác để nói nỗi đau của mình, mượn niềm vui của người khác thành niềm vui của mình. Đôi lúc là mình đấy nhưng có khi lại chẳng phải là mình.
Tôi đọc cho bạn nghe bài thơ Sen trên cánh đồng đất mẹ nhé:
“Tháng 7, nắng vàng ngơ ngác cánh ong nâu
Ta đã đi đâu? Dốc đời vẫn tìm về vùng sen bát ngát
Nghe sen hát: Tóc trên đầu phiêu bạt
Thương cánh nở, cánh tàn ngào ngạt hương quê
(…)
Làng mạc buổi chiều ngân nga gọi sáo diều
Con trẻ thị thành khát chơi, vẽ diều qua ảnh mạng
Người thành phố mang sen cắm trong bình
Thương ngày mới đài sen níu cánh
Ta không thể mang sen về trong nhà lưu ảnh
Búp sen hồng kiêu hãnh
Từ đất mẹ bùn thơm thanh thảo
Sen là trời đất sinh ra
Hồn cốt
Ở cánh đồng”.
Cảm ơn bà vì những chia sẻ!
NSND Hoàng Cúc tên đầy đủ là Hoàng Thị Cúc sinh ngày 6/7/1957 tại thị xã Hưng Yên. Học hết phổ thông, Hoàng Cúc thi và trúng truyển khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trong lúc chờ nhập học, bà được đoàn nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang vận động vào phục vụ biểu diễn. Sau đó, bà có hai năm công tác tại đoàn nghệ thuật tỉnh này.
Dù chuyên môn là thanh nhạc nhưng nghệ sĩ Hoàng Cúc ngoài biểu diễn ca hát còn còn kiêm thêm diễn kịch; nhiều đồng nghiệp lớn tuổi hơn trong đoàn khuyên bà theo nghiệp sân khấu vì tuổi nghề còn dài, có nhiều trải nghiệm thú vị. Hoàng Cúc liền nghe theo, bà bỏ thanh nhạc, đăng ký học khoa Kịch nói dài 4 năm tại trường Nghệ thuật Việt Bắc.
Học xong, năm 1982 bà xin về Đoàn kịch Hà Nội, bởi bà mê mẩn vở Âm mưu và tình yêu của đoàn này. Vai diễn đầu tiên của bà là Sa-ghi-a – vai chính trong vở kịch Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh, ra mắt năm 1984 đóng cùng với các NSND Hoàng Dũng, Minh Vượng, Minh Trang…
Bà từng được Hãng phim truyện Việt Nam mời đi đóng phim và nổi tiếng với vai Tám Bính trong phim Bỉ vỏ. Vai diễn Thủy trong bộ phim Tướng về hưu giúp bà giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1990.
Từ 2001 – 2012 bà là Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, bà đã tìm các kịch bản hay, dựng được những vở kịch thành công như Cát bụi (2004), vở Mắt phố (2009) đoạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc tại TPHCM.
Năm 2010, bà phát hiện mình bị ung thư gần đến giai đoạn ba và phải dành thời gian cho việc trị bệnh, bà nghỉ hưu vào năm 2012.
Sau 10 năm vắng bóng trên màn ảnh và sân khấu, NSND Hoàng Cúc đã trở lại và gây tiếng vang với vai bà mẹ chồng trong phim Hoa hồng trên ngực trái phát sóng năm 2019.