Sách giáo khoa môn tích hợp khoa học tự nhiên, môn lịch sử và địa lý lớp 8
Học môn tích hợp có ưu điểm hay khó khăn gì? Đâu là những đề xuất của học sinh? Chúng tôi ghi những ý kiến của học sinh đang học chương trình GDPT mới 2018 tại các trường THCS tại TP.HCM.
Đầu năm học hóa, giữa học lý, cuối năm học sinh
T.N.T.V, học sinh lớp 7 (năm nay lên lớp 8) tại Trường THCS An Phú Đông, Q.12 cho biết: “Với môn tích hợp khoa học tự nhiên, em được học chia theo học kỳ. Học kỳ đầu học môn hóa, học kỳ giữa học môn lý, học kỳ cuối thì học môn sinh. Điểm bất cập là học đến cuối năm thì quên luôn kiến thức 2 môn đầu là hóa và lý. Em nghĩ rằng nếu tích hợp thì nên đan xen kiến thức các môn với nhau để học sinh ghi nhớ kiến thức hơn”.
Trong quá trình kiểm tra, T.V cho hay có kiến thức cơ bản và một số ít câu nâng cao nên cá nhân em thích điều này. Cuối học kỳ 1, nhà trường kiểm tra môn hóa, vật lý. Đến cuối học kỳ 2, trường kiểm tra kiến thức môn vật lý, sinh.
Tại lớp của T.V, một giáo viên dạy cả 3 kiến thức là hóa học, vật lý, sinh học trong môn khoa học tự nhiên. “Cô vốn là giáo viên dạy chuyên về môn vật lý. Tuy nhiên, chúng em cảm thấy cô đã truyền đạt được các kiến thức môn học. Một số bạn hỏi những phần nâng cao hơn, cô chưa thể giải thích được thì hẹn sẽ giải đáp sau đó”, T.V nói.
Với môn tích hợp lịch sử và địa lý, sách giáo khoa cũng tách riêng phần lịch sử và địa lý, một cô giáo phụ trách môn tích hợp này trước đây chỉ dạy lịch sử nhưng đã được tập huấn, đào tạo để dạy cả lịch sử và địa lý. Theo T.V, một tuần có 3 buổi học môn lịch sử và địa lý thì 2 buổi học kiến thức lịch sử – 1 buổi học kiến thức địa lý rồi tuần sau 2 buổi địa lý – 1 buổi lịch sử, cứ như vậy. Học sinh này cho biết thêm: “Khi kiểm tra thì tùy là bài trắc nghiệm, tự luận hoặc cả trắc nghiệm và tự luận. Trong một bài kiểm tra có 50% kiến thức lịch sử, 50% kiến thức địa lý”.
Tích hợp nhưng hóa vẫn là hóa, sinh vẫn là sinh, địa vẫn là địa, sử vẫn là sử
Đ.Nh.K, học sinh lớp 7 (năm nay lên lớp 8) Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5, TP.HCM nhận xét: “Đầu năm học, chúng em được học phần kiến thức hóa học, giữa năm thì học môn vật lý, cuối năm thì học môn sinh. Học tới đâu, cô cũng ôn lại hệ thống kiến thức, để học sinh không quên kiến thức”.
Theo Nh.K, kiến thức các phần vẫn rạch ròi, vật lý là vật lý, hóa học là hóa học, sinh học là sinh học. Tuy nhiên, vì đây là môn tích hợp nên một giáo viên sẽ dạy cả 3 phần kiến thức này.
“Tương tự với môn lịch sử và địa lý, bố cục sách giáo khoa thì phần lịch sử riêng, phần địa lý riêng. Một giáo viên cũng dạy cả 2 phần kiến thức này. Tuy nhiên, khác với môn khoa học tự nhiên, trong tuần chúng em được học kiến thức lịch sử và địa lý đan xen nhau. Trong bài kiểm tra, một nửa kiến thức là địa lý, nửa còn lại là kiến thức lịch sử”, Nh.K nói.
Cũng theo Nh.K, sự ảnh hưởng của giáo viên tới việc giảng dạy môn tích hợp rất quan trọng. Học sinh này nói: “Em cảm thấy may mắn được học cô Hạnh, một mình cô dạy cả 3 môn hóa học, vật lý, sinh học nhưng dạy hay, giúp học sinh hiểu bài. Cô dạy kỹ, đi từ dễ tới khó, kèm cặp học sinh, dạy lại nếu học sinh không hiểu. Nhiều học sinh lớp khác cũng muốn được học cô”.
Chọn môn tích hợp hay quay về mỗi môn một cuốn sách giáo khoa như cũ?
T.N.T.V, học sinh Trường THCS An Phú Đông, Q.12, cảm thấy điều bất hợp lý trong việc tổ chức dạy môn tích hợp khoa học tự nhiên là các phần kiến thức hóa học, vật lý, sinh học bố trí ở đầu năm học, giữa năm học và cuối năm học, khiến cho học sinh tới cuối năm có thể dễ quên các kiến thức đầu năm.
“Trong mùa hè này, em đã suy ngẫm lại và nghĩ rằng đầu năm học tới, ở cương vị một lớp trưởng, em sẽ đề xuất để học sinh được học các kiến thức vật lý, hóa học, sinh học cùng với nhau, xen kẽ nhau”, T.N.T.V cho biết.
Mục lục sách giáo khoa môn lịch sử và địa lý lớp 8, bộ Chân trời sáng tạo
Nhiều ý kiến cho rằng nên “lối cũ ta về”, chia sách giáo khoa thành môn riêng biệt như trước đây, không có môn gọi là tích hợp. T.N.T.V cho hay cá nhân em vẫn nghĩ rằng học các môn tích hợp là một xu hướng trên thế giới. Ưu điểm của sách giáo khoa môn tích hợp là sách đẹp, được minh họa nhiều, nhiều màu sắc sinh động.
Trong khi đó, nữ sinh Đ.Nh.K, học sinh lớp 7 (năm nay lên lớp 8) Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5, TP.HCM, cho rằng: “Những gì cải tiến sẽ là tốt hơn phương án cũ. Chỉ cần nghiên cứu giải pháp hiệu quả hơn trong dạy, học môn tích hợp thì em nghĩ sẽ tốt hơn việc học đơn môn”.
Không thấy con than phiền gì!
“Những năm con học tiểu học, tôi thường kèm cặp con trong các môn học nhưng tới bậc THCS chủ yếu là con tự học. Chỉ trong thời gian có ảnh hưởng dịch Covid-19, tôi nhờ gia sư kèm cặp chung các môn cho con, còn lại con tự học. Nhưng tôi thấy kết quả học tập trên trường của con tốt, không nghe con than phiền gì về các môn tích hợp hay cách dạy của giáo viên tại trường”.
Chị Tr.Th.N.C, phụ huynh của học sinh năm nay lớp 8, Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5, TP.HCM.
Dạy học kiểu ‘tên lửa’ thì lương tâm cắn rứt
Bạn đọc Báo Thanh Niên gửi rất nhiều bình luận dưới các bài viết về môn học tích hợp bậc THCS ở chương trình GDPT 2018.
Bạn đọc Tran Nghia tâm tình: “Tôi cũng ngót nghét hơn 12 năm gõ đầu môn vật lý. Dạy rất vui vì tôi cho học trò ghi thì ít mà kể chuyện về vật lý thì nhiều. Nhưng mới năm vừa rồi được phân công dạy khoa học tự nhiên lớp 7 thì máu tôi lên não. 2 tháng hè tập huấn chỉ để nói vui là “đối phó và cho qua”. Khi vào đứng lớp không phải môn của mình thì kiến thức tập huấn đi du lịch rồi. Đọc tên nguyên tố bằng tiếng Anh tôi lẹo cả lưỡi, học trò thì nhắc “thầy đọc sai rồi”. Tôi sợ dạy mà học sinh không hiểu, sợ bị bắt bẻ, sợ khi học trò hỏi sâu tí là phải nhờ anh “gu gồ”. Hỏi kinh nghiệm các chị tiền bối (đã dạy lớp 6) thì được bảo “sách viết sao thì em dạy vậy thôi”. Hóa học còn chống chế được chứ sinh học thì… Thầy không dạy kịp thì lương thầy bị cắt mà dạy kiểu tên lửa ngắm hoa thì lương tâm cắn rứt”.
Bạn đọc Nguyễn Huy nói: “Thực tế là môn lịch sử – địa lý khi triển khai trên lớp học hoàn toàn là hai môn học độc lập nhưng phải tính trong 1 đầu điểm. Tức là học sinh học 2 môn, ôn tập 2 môn, thi 2 môn, nhưng điểm chỉ có 1 môn. Ngay từ lớp 6 môn này đã chia ra riêng đâu là lịch sử, đâu là địa lý. Vậy thì tích hợp để làm gì? Thậm chí sách giáo khoa khoa học tự nhiên lớp 8 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã bắt đầu chia rạch ròi các chương đâu là vật lý, là hóa học, là sinh học. Có thể thấy việc áp dụng lại học đơn môn là cần thiết. Vì đơn giản, học sinh vẫn phải học như vậy”.