Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giữ trọn lời thề – Tây Nguyên xanh” là lời tri ân đến sự hy sinh anh dũng, những cống hiến thầm lặng không ngừng nghỉ của các thế hệ chiến sĩ an ninh.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giữ trọn lời thề – Tây Nguyên xanh”. (Ảnh: Minh Hạnh) |
Hòa trong không khí cả nước kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, tối 27/7, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (thành phố Pleiku, Gia Lai) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giữ trọn lời thề – Tây Nguyên xanh”.
Chương trình do Bộ Công an và Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên (VTV8) phối hợp thực hiện, được phát sóng trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình.
Đến dự có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Đà Nẵng, Bình Phước…
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giữ trọn lời thề – Tây Nguyên xanh” là lời tri ân đến sự hy sinh anh dũng, sự cống hiến thầm lặng không ngừng nghỉ của các thế hệ chiến sĩ an ninh trong những năm tháng kháng chiến, cũng như trong thời bình. Mỗi tiết mục đều mang lại cho khán giả những cảm xúc lắng đọng và tự hào về một phần lịch sử không thể nào quên của lực lượng công an nhân dân Việt Nam với những mốc son chói lọi trong chiến tranh và hòa bình.
Những cuộc chiến tranh đi qua, để lại quá nhiều mất mát cho cả người ra đi và người ở lại. Bóng tối chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của nó vẫn còn hiện hữu như để nhắc nhở mỗi con người Việt Nam biết trân trọng hơn giá trị của hòa bình hôm nay. Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giữ trọn lời thề – Tây Nguyên xanh” là để khẳng định một lần nữa: Thế hệ trẻ không bao giờ quên những công lao to lớn ấy. Ngọn lửa của lòng yêu nước từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay.
Những hình ảnh gắn với những câu chuyện cảm động được kể trong chương trình. Đó là câu chuyện người con gái của liệt sĩ – Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Văn Viêm, khi biết tin cha hy sinh, đã giả nét chữ của cha viết thư về cho mẹ để giúp mẹ giữ vững niềm tin, nhất là khi mẹ cô đang đổ bệnh.
Đó là chuyến đi của Đại tá Nguyễn Cộng Hòa, một người từng trải với những chiến công trong chống Fulro đến viếng anh hùng Y Thuyên Ksor ở Yang mao, gợi lại những ngày gian nan để có một Tây Nguyên giàu đẹp, thanh bình, phát triển với khát vọng hội nhập.
Và cuối cùng, câu chuyện Cư Kuin (Đắk Lắk) mới đây, như một vết thương nhức nhối. Máu của người chiến sĩ Công an vẫn tiếp tục đổ vì bình yên của nhân dân. Ngay trong biến cố này, những đồng bào Tây Nguyên chính trực vẫn gắn bó, hỗ trợ lực lượng công an như một biểu hiện cao đẹp và sâu sắc của lòng dân.
Xen lẫn các câu chuyện là những tiết mục nghệ thuật, hòa tấu nhạc cụ đặc sắc như: Chuyện Mẹ kể, Bài ca chiến sĩ công an, Dưới ngọn cờ vinh quang, Ngọn lửa cao nguyên... không chỉ tôn vinh chặng đường lịch sử vinh quang của lực lượng công an nhân dân cả trong chiến tranh lẫn thời bình, mà còn chứa đựng bản sắc, tinh thần của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, của con người Tây Nguyên rắn rỏi, kiên cường.
Các hoạt cảnh, tiết mục văn nghệ được chuẩn bị chu đáo, công phu đã mang tới cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc về những chiến công, sự hy sinh thầm lặng của lực lượng công an trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự. Tại chương trình, Ban tổ chức cũng đã trao nhiều phần quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ, người có công.
Chương trình khép lại với lời thề của người chiến sĩ công an nhân dân trước Tượng đài Bác Hồ, với nhân dân, đặc biệt là các dân tộc Tây Nguyên, khiến người dân thêm tin tưởng vào lực lượng Công an nhân dân.